Hà Nội ban hành kế hoạch xây dựng văn hóa học đường ngành giáo dục

Kế hoạch nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến mới về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên góp phần phát triển năng lực...

(Ảnh minh họa. PV/Vietnam+)

Triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường của ngành giáo dục, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về tăng cường xây dựng văn hóa học đường của ngành giáo dục trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến mới về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên góp phần phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; xây dựng người Thủ đô yêu nước, nhân ái, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Hà Nội tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân-thiện-mỹ; quan tâm đầu tư tạo điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục, tạo sự lan tỏa với cộng đồng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các cơ sở giáo dục, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động; đáp ứng yêu cầu về bảo đảm chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành giáo dục đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng, ý chí phấn đấu và khát vọng cống hiến...

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý đến công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn ngành về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc trong mỗi nhà trường, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho học sinh triển khai hiệu quả thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội rà soát, đề xuất kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; rà soát điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc, mang tính hình thức, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục…

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân; đẩy mạnh việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh hoạt Đoàn, Đội.

Ngành giáo dục Thủ đô xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh, sinh viên hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thống thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng…

[Xác định 10 giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh Việt Nam]

Nội dung chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường nhấn mạnh văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm và có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cùng vào cuộc với các nhiệm vụ cụ thể để chung tay xây dựng văn hóa học đường.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ các cấp học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên; nghiên cứu rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn có tính hình thức, cứng nhắc, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.

(Ảnh minh họa: CTV)

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp chú trọng kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên; phát triển cho học sinh, sinh viên những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; tuyên truyền, giáo dục và triển khai các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả, thực chất 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế ưu tiên cho học sinh, sinh viên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi bãi tập công cộng; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu…

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức các giải pháp tăng cường xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường thân thiện, không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục trong phòng, chống và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật xuất phát từ bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến học sinh, sinh viên.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án về vị trí việc làm đối với công tác giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, triển khai hiệu quả các biện pháp tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.

Bộ Tài chính căn cứ nhiệm vụ, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan Trung ương có liên quan, hàng năm tổng hợp, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường;bảo đảm công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhà trường tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia công tác xây dựng văn hóa học đường…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử trong đoàn viên, công nhân lao động; vận động cán bộ, đoàn viên là cán bộ, nhà giáo, viên chức trong trường học thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ đoàn theo thẩm quyền tổ chức công tác giáo dục văn hóa học đường qua hoạt động các câu lạc bộ kỹ năng sống.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, sinh viên về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình trong giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho trẻ em, học sinh, sinh viên; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; các thành viên trong gia đình ứng xử mẫu mực./.

Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)