Hà Nội: Bãi bỏ văn bản liên quan đến việc chia tách, hợp thửa đất

Ngày 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành công văn 2869 bãi bỏ văn bản số 1685 ngày 22/3/2022 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các thủ tục tách thửa đất.

Một khu đất ở huyện Thạch Thất đã được phân lô để bán. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Liên quan đến văn bản số 1685 ngày 22/3/2022 về việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục chia tách thửa đất trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết Sở đã nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo của các cơ quan chức năng, Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ngành.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường, thực hiện các văn bản số 298 ngày 12/4/2023 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), số 1754 ngày 22/2/2023 của Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; số 26 ngày 13/2/2023 và số 1251 ngày 17/4/2023 của Sở Tư pháp Hà Nội, ngày 26/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành công văn 2869 bãi bỏ văn bản số 1685 ngày 22/3/2022 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn Hà Nội.

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý đất đai theo đúng quy định pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị ủy ban nhân dân các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP và Nghị định 148/2020/NĐ-CP, Thông tư 09/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

[Hà Nội dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp]

Trước đó, theo văn bản 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong thời gian Ủy ban Nhân dân thành phố chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách, hợp thửa đất, các địa phương phải tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.

Các quận, huyện chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến văn bản 1685 này, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy đã ký văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý văn bản số 1685.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Do vậy, việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến chia tách thửa đất được đề cập tại văn bản nói trên không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung, không thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Mặt khác, văn bản 1685 là văn bản hành chính nhưng lại chứa quy phạm pháp luật, vi phạm vào điều cấm theo khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ghi nhận thực tế thời gian qua tại Hà Nội, tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san lấp đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng đã diễn ra tràn lan, phức tạp tại một số quận, huyện, thị xã như: Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn…

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhỏ mua gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thậm chí cả đất rừng từ người dân ở trong các thôn, xóm, làng rồi phân lô, bán nền gây nhiễu loạn thị trường trong mấy năm gần đây.

Điều đáng nói là việc xin chuyển đổi đất vườn sang đất ở rồi tách thửa để bán khiến cho giá bán đất cao hơn nhiều so với đất ở của người dân xung quanh. Hầu hết các khu đất phân lô, bán nền sau thời gian mua đi bán lại nhộn nhịp đều bị bỏ hoang, không có xây dựng, người ở…

Điển hình tại xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), trường hợp xin tách thửa và số lượng đất ở trên địa bàn tăng mạnh trong thời gian qua. Năm 2018, tổng diện tích đất ở của xã là 245,88ha; sang năm 2020 đã tăng thêm 5,9ha, nâng tổng diện tích đất ở của xã lên 251,85ha (2,4%); năm 2021 tăng thêm 6,42ha, lên 252,3ha (2,6%).

Dự kiến năm 2022, xã Bình Yên sẽ tăng thêm 10ha. Tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), trong năm 2021, toàn xã có hơn 120 hồ sơ xin chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở, số hồ sơ được duyệt khoảng 100 bộ với tổng diện tích hơn 7ha.

Hiện, trên địa bàn xã có khu đất phân thành 120 ô đất đang được môi giới chào bán.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện văn bản số 1685 về tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách thửa đất, thị trường giao dịch đất vùng ven đô đã bị ảnh hưởng nhiều vì không còn sự tham gia "mặn mà" của giới đầu tư.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc Hà Nội và một số địa phương liên tiếp tạm dừng phân lô, tách thửa, là điều cần thiết để giảm cơn "khát" đất của giới đầu cơ, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Song, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể, rõ ràng đối với đất đai để ngăn chặn tình trạng "bong bóng" trong thị trường bất động sản.

Việc "siết" chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình và không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý nhà nước.

Để tạo ra sản phẩm bất động sản hợp pháp, các địa phương cần phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn, có dự án bài bản rồi công khai để người dân biết.

Đặc biệt, theo phản ánh của nhiều người dân, "lệnh" tạm dừng phân lô, tách thửa của Hà Nội chưa thực sự hợp lý, chưa tính đến nhu cầu thực tế của người dân.

"Bởi đây là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu của gia đình tôi, chúng tôi có quyền phân chia theo nhu cầu, vừa đảm bảo thực hiện ý nguyện của cha mẹ, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho những người liên quan," một người dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất bức xúc nói.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để có giải pháp tối ưu giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản mới có cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể quản lý, quy hoạch đất đai một cách hợp lý, ổn định, tránh tình trạng đầu cơ tràn lan, đảm bảo quyền lợi chính đáng cũng như nhu cầu thực tế của người dân./.

Linh Khánh (TTXVN/Vietnam+)