Hà Nam chủ động phát hiện, xử lý ổ bệnh sốt xuất huyết
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam cho biết, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, giám sát véctơ sốt xuất huyết ở nơi ghi nhận ca bệnh, những vùng nguy cơ cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh xuất hiện rải rác các ca bệnh sốt xuất huyết. Đáng chú ý, qua giám sát dịch tễ, nhiều ca bệnh không phát hiện yếu tố xâm nhập bệnh từ nơi khác. Ngành Y tế và các địa phương nơi ghi nhận ca mắc đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thành phố Phủ Lý, từ đầu năm đến ngày 16/8 ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu xuất hiện trong gần 1 tháng nay. Nguy cơ dịch bùng phát trên địa bàn rất cao khi hiện nay thời tiết nắng, mưa đan xen là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Theo ông Trương Văn Trự, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý, Trung tâm đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Đơn vị tổ chức tập huấn phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho cán bộ y tế thôn, tổ và tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ y tế phường, xã; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi ghi nhận ca mắc. Các phường, xã tổ chức phát động tổng vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ phế thải chứa nước đọng không để muỗi sinh sản...
[Bộ Y tế: Quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết]
Tại thị xã Duy Tiên, huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục, số ca mắc sốt xuất huyết những ngày gần đây có dấu hiệu tăng dần. Toàn tỉnh ghi nhận 59 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2023 đến nay.
Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, ngành Y tế đã phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, giám sát véctơ sốt xuất huyết tại nơi ghi nhận ca bệnh, những vùng nguy cơ cao.
Ngành Y tế xác định khu vực có ổ dịch cũ, có nguy cao cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; tiến hành điều tra, giám sát véc tơ sốt xuất huyết; giám sát chặt chẽ các ca bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh sốt xuất huyết nếu không kịp thời phòng, chống, phát hiện sớm, xử lý triệt để, ổ dịch sẽ lây lan ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của tuyến y tế cơ sở và người dân trong việc tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy.
Đặc biệt, khi có các biểu hiện của sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau hốc mắt... người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự điều trị tại nhà./.