Hà Lan bắt giữ 10 người sau vụ tấn công bài Do Thái ở Amsterdam

Bạo lực bùng phát đêm 7/11 ở Amsterdam khiến 5 người phải nhập viện và 62 người bị bắt giữ nằm trong làn sóng bài Do Thái “chưa từng thấy trong một thời gian dài” tại thành phố.

Cảnh sát Amsterdam cho biết 5 người đã phải nhập viện và 62 người bị bắt giữ vì tình nghi liên quan vụ việc. (Ảnh: Reuters)

Ngày 8/11, Thị trưởng thành phố Amsterdam, Hà Lan, Femke Halsema cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 10 đối tượng tình nghi liên quan đến các vụ tấn công mang tính chất bài Do Thái sau trận đấu bóng đá thuộc giải Europa League vào tối trước đó.

Phát biểu họp báo, Thị trưởng Halsema cho hay các đối tượng bài Do Thái đã tấn công và hành hung du khách ở Amsterdam sau đó bỏ chạy. Cảnh sát đang tích cực truy lùng những người còn lại.

Cũng theo quan chức này, bạo lực bùng phát đêm 7/11 ở Amsterdam nằm trong làn sóng bài Do Thái “chưa từng thấy trong một thời gian dài” tại thành phố.

Trong khi đó, trên trang mạng X, cảnh sát Amsterdam cho biết 5 người đã phải nhập viện và 62 người bị bắt giữ vì tình nghi liên quan vụ việc.

Tối 7/11, trận đấu giữa Ajax Amsterdam (Hà Lan) và Maccabi Tel Aviv (Israel) trong khuôn khổ Europa League đã bị bóng đen bạo lực che phủ khi xảy ra xô xát giữa các cổ động viên đội khách với những người ủng hộ Palestine.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về các vụ đụng độ đã diễn ra bên ngoài sân vận động Johan Cruyff Arena ở Amsterdam.

Theo Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir, một số cổ động viên Maccabi Tel Aviv đã bị thương.

Trước thềm trận đấu này, Thị trưởng Halsema đã cấm một cuộc tuần hành ủng hộ Palestine vì lo ngại xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cổ động viên đội bóng Israel.

Liên hợp quốc ngày 8/11 đã bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ ở Amsterdam, đồng thời lên án tình trạng phân biệt đối xử hoặc bạo lực dựa trên nguồn gốc quốc gia, tôn giáo và dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng ngày cũng lên án các vụ tấn công mà bà cho là “không thể chấp nhận." Bà khẳng định: “Chủ nghĩa bài Do Thái hoàn toàn không có chỗ ở châu Âu. Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi hình thức thù hận."

Thời gian gần đây, đã có sự gia tăng đáng kể số vụ tấn công và hành vi kỳ thị chống lại người Do Thái ở nhiều nước châu Âu. Đặc biệt, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách của Israel đối với Palestine đã dẫn đến những lời lẽ và hành vi thù ghét đối với người Do Thái.

Nhiều chính phủ châu Âu đã đưa ra các chiến dịch và thậm chí luật để hạn chế tình trạng này, song hiệu quả còn hạn chế./.