Guatemala phát hiện bệ thờ Teotihuacan tại thành phố cổ Tikal của người Maya
Đây là một phát hiện quan trọng, chứng minh sự tương tác về mặt xã hội, chính trị và văn hóa giữa người Maya ở Tikal và giới tinh hoa ở thành bang cổ đại Teotihuacan có nguồn gốc ở Mexico.
Chính phủ Guatemala ngày 7/4 thông báo các nhà khảo cổ nước này vừa phát hiện một bệ thờ cổ được trang trí bằng những bức tranh tường mang văn hóa Teotihuacan - một trong những nền văn minh thời tiền Columbus quan trọng nhất tại Trung Mỹ, ở thành phố cổ Tikal của người Maya.
Trao đổi với báo giới cùng ngày, Tiến sỹ Édwin Ramírez, người đứng đầu dự án khảo cổ học Nam Tikal (PAST), cho biết đây là một phát hiện quan trọng, chứng minh sự tương tác về mặt xã hội, chính trị và văn hóa giữa người Maya ở Tikal và giới tinh hoa ở thành bang cổ đại Teotihuacan có nguồn gốc ở Mexico.
Công trình là một cấu trúc mái dốc, có chu vi từ Đông sang Tây là 1,1m, từ Bắc xuống Nam là 1,8m, cao khoảng 1m, được đá vôi bao phủ. Các nhà khảo cổ học cho biết để giải mã cách trang trí bệ thờ, họ đã sử dụng một chương trình mã hóa hình ảnh có tên là Dstrech với khả năng nhận dạng hình dạng và màu sắc.
Bộ Văn hóa Guatemala tiết lộ các nhà khảo cổ tìm thấy công trình trên sau khi khai quật một loạt đường hầm và đây là bằng chứng thuyết phục nhất về sự tương tác giữa hai nền văn hóa Maya và Teotihuacan.
Bệ thờ có các hình người với mũ miện tua rua, một đặc điểm đặc trưng của văn minh Teotihuacan, qua đó củng cố giả thuyết cho rằng nhóm người này đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị tại thành phố cổ Tikal nằm cách thủ đô Guatemala khoảng 500km về phía Bắc.
Bên cạnh đó, phát hiện trên cũng khẳng định lại tầm quan trọng của Tikal như một trung tâm quốc tế, hội tụ văn hóa vào thời điểm đó và là điểm đến cho du khách đến từ các nền văn hóa khác.
Chuyên gia dự án PAST Lorena Paiz Aragón nhấn mạnh phát hiện trên “là duy nhất ở Guatemala” do chưa từng tìm thấy bất kỳ công trình nào tương tự ở thành phố cổ Tikal. Đặc biệt, các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt của 3 đứa trẻ không quá 4 tuổi ở 3 phía của bệ thờ và họ tin rằng các nghi lễ hiến tế, đặc biệt là hiến tế trẻ em, được thực hiện ở đây.
Chuyên gia khảo cổ Lorena cũng nhấn mạnh đây là bằng chứng khẳng định mối quan hệ trên xuất hiện vào khoảng năm 300-500 sau Công nguyên. Người Teotihuacan là những thương gia đi khắp đất nước Guatemala. Chi tiết về khám phá này sẽ được công bố với thế giới vào ngày 8/4 trên Tạp chí khảo cổ học Antiquity.
Di tích khảo cổ Tikal nằm ở tỉnh Petén và được coi là một trong những cái nôi cổ xưa của nền văn minh Maya cổ đại.
Trong khi đó, Teotihuacan, nằm cách thủ đô Mexico City 40 km về phía Đông Bắc là một thành bang cổ đại với những kim tự tháp hoành tráng, đại diện cho kiến trúc cổ đại Trung bộ châu Mỹ, được thành lập vào khoảng năm 0 sau Công nguyên.
Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ vẫn chưa xác định được Teotihuacan bắt nguồn từ nền văn minh nào và tại sao nó lại biến mất sau năm 750./.