GS Hồ Ngọc Đại mất hai năm chỉ nghiên cứu dạy phép nhân cho học sinh
Sáng nay, 16/9, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tổ chức ra mắt sách "Giáo dục hiện đại" nhân dịp kỷ niệm 45 năm hành trình nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ giáo dục của ông.
“Trong quá trình nghiên cứu tiến sỹ ở Liên Xô, giáo sư của tôi yêu cầu nghiên cứu dạy phương pháp dạy phép nhân cho học sinh tiểu học. Tôi đã phải tìm hiểu nhiều tài liệu, gặp giáo sư toán học đầu ngành thế giới lúc bấy giờ, và ngạc nhiên tự hỏi: chỉ dạy phép nhân cho học sinh tiểu học thôi mà phải phức tạp như vậy? Và tôi đã phải mất hai năm nghiên cứu, thực nghiệm cho đề tài này,” Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ sáng nay, 16/9, tại buổi ra mắt sách Giáo dục hiện đại – cuốn sách mới nhất của ông.
Cũng theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, chính quá trình học tập, nghiên cứu tại Liên Xô đã giúp tôi hiểu thực sự thế nào là làm nghiên cứu khoa học khi mọi công đoạn trong giáo dục, dù là nhỏ nhất, đều được nghiên cứu một cách tỷ mỷ, kỹ càng.
Điều đó đã trở thành quan điểm, tư tưởng nhất quán của Giáo sư Hồ Ngọc Đại khi luôn khẳng định: năng lực sư phạm của người thầy không phải chỉ phát triển theo kinh nghiệm, khiến cho phải có thầy tốt trò mới học tốt, mà phải công nghệ hóa giáo dục, người thầy dạy theo phương pháp sư phạm khoa học và vì thế, với người thầy nào cũng có thể dạy ra trò tốt.
Có thể nói, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã dành cả cuộc đời mình chỉ để làm duy nhất một việc: nghiên cứu công nghệ giáo dục, trong đó đặc biệt là công nghệ giáo dục dạy cho học sinh lớp 1, nhất là môn Tiếng Việt, cho dù ông đã từng dạy cả toán học, triết học, từng là giáo viên tiểu học đến giảng viên đại học. Và trong suốt cuộc đời mình, đến nay đã gần 90 tuổi, ông và công nghệ giáo dục của ông vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi, người ủng hộ nhiều, người phản đối cũng không ít.
[Sách công nghệ giáo dục và sự hồi sinh của giáo dục Lào Cai]
Giáo sư Hồ Ngọc Đại bảo khi ông nghiên cứu và thực nghiệm công nghệ giáo dục tại Liên Xô, giáo sư của ông từng nói phải mất 50 năm người ta mới có thể hiểu và chấp nhận những đổi mới của ông. Khi ông về nước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng nhận định những tư tưởng về giáo dục của ông quá mới, quá khác với truyền thống và vì thế, phải mất vài chục năm mới có thể được tiếp nhận.
Sự kiện ra mắt sách “Giáo dục hiện đại” cũng là cách Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh dấu hành trình 45 năm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ giáo dục của ông, bắt đầu từ khi Trường Thực nghiệm tại phố Liễu Giai (Hà Nội) tuyển sinh lứa đầu tiên cho năm học 1978-1979 với duy nhất một khối: lớp Một.
Cuốn sách được thiết kế nhỏ gọn như cuốn sổ tay với lối viết súc tích, câu từ ngắn gọn, chắc chắn trong từng chữ, gói gọn tư tưởng, quan điểm về triết lý giáo dục và công nghệ giáo dục – thành quả nghiên cứu và thực nghiệm của ông.
Phần một của cuốn sách đề cập đến lịch sử và triết lý với cách viết khúc chiết, lập luận chặt chẽ từng khái niệm, từ đó chỉ ra triết lý giáo dục như một chân lý với sự phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại. Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định: trẻ em tự sinh ra chính mình, nhu cầu và lợi ích lớn nhất của trẻ em hiện đại là trưởng thành tự nhiên, phát triển tự nhiên, tự học để phát triển bản thân và trở thành cá nhân duy nhất, đặc biệt, riêng có.
[Sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại tiếp tục bị loại ở vòng hai]
Từ kết luận mang tính triết lý về sự phát triển của trẻ em, ở phần hai, Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định giáo dục hiện đại phải vận hành theo hướng phạm trù cá nhân. Đổi mới giáo dục chính là thầy thiết kế, trò thi công, học sinh tự tìm ra tri thức mới thông qua những hoạt động cụ thể, thầy chỉ có vai trò hướng dẫn, không phải người thuyết giảng trao truyền kiến thức sẵn có. Thầy thiết kế chương trình, sách giáo khoa, thiết kế từng việc làm của trẻ trong giờ học. Trò tự tìm ra kiến thức sau khi thực hiện các việc, người thầy không đưa đến cho trẻ em sản phẩm làm sẵn, buộc trẻ phải chấp nhận.
Có thể thấy quan điểm, tư tưởng, triết lý giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về giáo dục được ông thực nghiệm cách đây 45 năm cũng chính là tư tưởng, quan điểm của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai ở các nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, tư tưởng về công nghệ giáo dục của ông vẫn đang là vấn đề tranh cãi, từ quy trình thực hiện đến phương pháp. Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, bản “thiết kế” của người thầy phải dựa trên nghiên cứu khoa học hiện đại, bài bản, theo công nghệ giáo dục với từng bước thực hiện cụ thể.
“Nghề dạy học cũng như mọi nghề thi công, hành nghề bằng thao tác. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại thiết kế cho trẻ em tự mình thực thi các việc làm bằng thao tác, bằng chuỗi tuyến tính các thao tác. Đã là thao tác thì ai làm cũng được, ai làm cũng như ai, trẻ làm cũng như người lớn làm,” Giáo sư Hồ Ngọc Đại viết.
Chia sẻ về 45 thăng trầm của công nghệ giáo dục, khi từng nhiều lần được nhân rộng trên cả nước, sau đó lại trở về quy mô mốc ban đầu: chỉ dạy ở Trường Thực nghiệm, Giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn tỏ ra rất lạc quan và tin tưởng, như cách ông từng dõng dạc khẳng định: Giáo dục Việt Nam muốn phát triển chắc chắn phải đi qua một cây cầu, cây cầu đó mang tên Hồ Ngọc Đại./.