Góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai cơ quan lập pháp Việt Nam-Australia

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai Cơ quan lập pháp.

Bà Lê Thu Hà. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-30/8.

Chia sẻ với phóng viên trước thềm chuyến thăm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng tầm, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ giữa hai Cơ quan lập pháp, đưa mối quan hệ này trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia.

- Thưa Phó Chủ nhiệm, bà có thể chia sẻ khái quát về quan hệ Việt Nam-Australia cũng như hai Quốc hội trong thời gian vừa qua?

Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Hơn 5 thập kỷ qua đã chứng kiến mối quan hệ Việt Nam-Australia ngày càng được củng cố vững chắc và toàn diện thông qua sự bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, sự tương đồng về lợi ích, tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương cởi mở, ổn định, thịnh vượng và sự gắn kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Trên cơ sở tin cậy chiến lược và sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ Việt Nam - Australia trong hơn 50 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu lớn với các dấu mốc quan trọng như thiết lập Đối tác Toàn diện năm 2009, Đối tác Chiến lược năm 2018 và nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện (tháng 3/2024) nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước.

Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh, trong đó có kênh nghị viện; hợp tác tích cực và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc và trong vấn đề Biển Đông; duy trì hiệu quả trên 20 cơ chế hợp tác song phương với nhiều kết quả tích cực.

Lễ khánh thành Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Australia đặt tại thành phố Melbourne (bang Victoria), do Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA) thành lập và điều hành (2021). (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

Hợp tác kinh tế-thương mại được duy trì ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD. Hai nước hiện là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Australia cũng là đối tác cung cấp viện trợ phát triển lớn, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong nhiều thập niên qua.

Hợp tác quốc phòng-an ninh phát triển thực chất; hai nước vừa thiết lập quan hệ Đối tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và chuẩn bị nâng cấp cơ chế Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng, hợp tác tích cực trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh mạng.

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, lao động, giao lưu nhân dân đều có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng.

Từ ngày 24-25/7/2024, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines thay mặt Quốc hội và Chính phủ Australia đã sang Việt Nam dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này thể hiện tình cảm sâu sắc, sự coi trọng của lãnh đạo và nhân dân Australia đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia.

Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia không ngừng được mở rộng và đi vào thực chất trên cả bình diện song phương và đa phương, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ hai nước.

Quốc hội khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Australia do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm Chủ tịch.

Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Australia với Việt Nam được thành lập ngày 4/10/2022 do Phó Chủ tịch Hạ viện Sharon Claydon làm Chủ tịch với 57 thành viên, trong đó có nhiều thành viên giữ các chức vụ quan trọng trong Nghị viện và Chính phủ Australia, thể hiện sự quan tâm, tình cảm, thiện chí của các nghị sỹ Australia đối với Việt Nam.

Nhân chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 12/2022, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia (cả Thượng viện và Hạ viện), tạo cơ sở pháp lý và động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu, ổn định. Hiện hai bên đang tích cực phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác nói trên; duy trì tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế (IPU, AIPA, APPF, ASEP…).

Chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Thượng viện cũng như các chuyến thăm Việt Nam của các lãnh đạo Hạ viện/Thượng viện Australia đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)

- Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Australia có ý nghĩa như nào đối với quan hệ hai nước nói chung, hai Quốc hội nói riêng, thưa Phó Chủ nhiệm?

Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Sue Lines là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Thượng viện Australia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, góp phần làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp, đưa mối quan hệ này trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về phía Australia, chuyến thăm thể hiện sự quan tâm, coi trọng quan hệ của Australia đối với Việt Nam, khẳng định mong muốn đẩy mạnh quan hệ giữa Quốc hội Việt nam với Nghị viện Australia, là hoạt động cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp trong giai đoạn mới với những nội hàm mới sâu rộng, theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả.

- Phó Chủ nhiệm có thể chia sẻ về một số hoạt động của Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines trong chuyến thăm cũng như kỳ vọng về quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội trong thời gian tới?

Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines sẽ có các cuộc hội đàm chính thức với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; tham dự Diễn đàn Việt Nam-Australia với chủ đề “Tăng cường kết nối kinh tế, chia sẻ tầm nhìn thịnh vượng” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.

Dự kiến, Chủ tịch Thượng viện Sue Lines cũng sẽ có các chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình, tỉnh Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông qua chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Australia, tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đẩy mạnh tiềm năng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực theo "6 điểm hơn" như đã xác định.

Trọng tâm là tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở, chân thành hơn; hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về an ninh - quốc phòng, hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, thông qua kênh ngoại giao nghị viện, với Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Australia sẽ nâng tầm và làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ giữa hai Cơ quan lập pháp, đưa mối quan hệ này trở thành trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ hai nước.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Phó Chủ nhiệm./.