Goldman Sachs: Thời kỳ "hốt bạc" của giới đầu tư chứng khoán đã qua

Goldman Sachs dự báo lợi nhuận hàng năm của thị trường chứng khoán Mỹ trong thập kỷ tới chỉ ở mức 3% đã dấy lên nhiều lo ngại - trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 13% của thập kỷ trước.

Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dự báo gần đây của ngân hàng Goldman Sachs về mức lợi nhuận hàng năm chỉ 3% cho thị trường chứng khoán Mỹ trong thập kỷ tới đã dấy lên nhiều lo ngại.

Con số này trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 13% hàng năm của thập kỷ trước và mức trung bình dài hạn 11%. Trong gần 100 năm kể từ 1930, hơn 90% thời gian này mang tới kết quả tốt hơn cho nhà đầu tư.

Nhưng dù bất ngờ, dự đoán này không hoàn toàn khó hiểu khi xét đến mức định giá cao của thị trường Mỹ so với các thị trường chứng khoán toàn cầu. Lịch sử cho thấy định giá thị trường cao thường đi kèm với lợi nhuận dài hạn thấp hơn.

Hiệu suất thị trường phụ thuộc vào lợi nhuận doanh nghiệp và định giá. Lợi nhuận doanh nghiệp có xu hướng tăng đều đặn, nhưng tâm lý nhà đầu tư, phản ánh qua hệ số định giá, lại biến động mạnh.

Định giá hiện tại của S&P 500 nằm trong nhóm 97% cao nhất trong lịch sử, tức là chỉ có 3 năm trong 100 năm qua ghi nhận định giá cao hơn. Điều này cho thấy thị trường đang bị định giá quá cao, tương tự các giai đoạn trước đây như bong bóng dot-com hồi thập niên 1990. Bong bóng dot-com là từ dùng để chỉ giai đoạn bùng nổ và suy giảm nhanh chóng của thị trường chứng khoán liên quan đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trong thập niên 1990.

Goldman Sachs cũng đưa ra những khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng doanh số và tỷ suất lợi nhuận cao. Trong 40 năm qua, chỉ 3% công ty duy trì tăng trưởng doanh số 20% mỗi năm hoặc hơn trong một thập kỷ. Chỉ một trong 100 công ty đạt tỷ suất lợi nhuận trên 50% trong khoảng thời gian đó.

Điều này trái ngược với những dự đoán lạc quan thường thấy trong thị trường tăng giá, như giai đoạn Nifty Fifty đầu những năm 1970, bong bóng dot-com cuối những năm 1990 và những hào hứng xung quanh sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ Nhân tạo (AI) hiện nay.

Mối lo ngại này càng gia tăng do sự tập trung cao của thị trường chứng khoán Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là AI. Tương tự như với định giá, lịch sử cho thấy mức độ tập trung thị trường cao có mối tương quan với lợi nhuận chỉ số thấp trong tương lai.

S&P 500 hiếm khi tập trung vào một nhóm cổ phiếu như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa sự suy giảm trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là AI, có thể ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ chỉ số quan trọng này.

Tuy nhiên, vấn đề này chủ yếu giới hạn trong phân khúc cụ thể của thị trường chứng khoán Mỹ. Các phân khúc khác cùng thị trường quốc tế cho thấy triển vọng ít đáng ngại hơn về cả định giá và mức độ tập trung.

Tin tốt là nhà đầu tư vẫn có thể hưởng lợi từ sức mạnh và sức bền của nền kinh tế Mỹ, sự đổi mới và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận bền vững của các công ty tại đây. Họ có thể ít tập trung hơn vào thị trường này và tăng các khoản đầu tư gián tiếp từ những thị trường khác, ví dụ như châu Âu khi 1/3 doanh thu của các công ty lớn nhất khu vực này đến từ Bắc Mỹ.

Nhiều thị trường quốc tế cũng có định giá thấp hơn đáng kể so với Mỹ. Do đó, nhà đầu tư lo ngại về định giá và mức độ tập trung của thị trường Mỹ nên xem xét hai chiến lược chính: đa dạng hóa danh mục đầu tư toàn cầu và lựa chọn quỹ cẩn thận. Mặc dù đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của Mỹ và các quỹ chỉ số liên quan là cách tiếp cận đơn giản và luôn sinh lời trong những năm gần đây, thập kỷ tới có thể đòi hỏi nhà đầu tư có cách tiếp cận khác.

Bên cạnh đó, mặc dù dự đoán lợi nhuận dài hạn thấp, nhưng Goldman Sachs cũng dự báo tăng trưởng ngắn hạn tương đối khả quan cho chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 dự kiến đạt mốc 6.300 điểm trong năm 2025 (hiện chỉ số này quanh mức 5.800 điểm) với tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 11% và định giá giảm nhẹ. Sự lạc quan ngắn hạn này mang đến cơ hội tái cân bằng danh mục đầu tư một cách chiến lược cho bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều biến động trong tương lai./.