Góc nhìn mới về hoạt động ngoại giao dưới triều Nguyễn qua triển lãm 3D
Triển lãm 3D "Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông-Tây" đã khai mạc trực tuyến ngày 22/8, trên website (https://archives.org.vn/TourNgoaigiao/) và Fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Triển lãm 3D "Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông-Tây" đã khai mạc trực tuyến ngày 22/8, trên website (https://archives.org.vn/TourNgoaigiao/) và Fanpage của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ).
Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8).Triển lãm mang đến công chúng những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông tin bổ ích, góc nhìn mới mẻ và hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động ngoại giao của nước ta dưới triều Nguyễn trong hơn 50 năm đầu độc lập, tự chủ (1802 - 1858), trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và biến nước ta thành thuộc địa, thông qua hàng trăm tài liệu đặc sắc, hé mở những câu chuyện thú vị.
Trong số này, chủ yếu là các văn bản được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới.
Tìm hiểu hoạt động ngoại giao của tiền nhân cũng là cách để chúng ta “gạn đục khơi trong”, đúc rút ra những giá trị cho cuộc sống đương đại.
Qua Châu bản có thể thấy được các nước phương Tây nỗ lực tiếp cận nước ta, gửi quốc thư, dâng tặng phẩm nhằm đặt quan hệ hữu nghị giao thương. Họ thấy được những lợi thế về vị trí địa lý trung tâm và thương mại của vùng đất này.
Với không gian 3D độc đáo, triển lãm đưa người xem đến với hành trình nhiều cảm xúc qua hai phần: Đóng cửa Tây, Mở cửa Đông.
Ở phần 1: Đóng cửa Tây, Châu bản cho thấy, các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức trong quan hệ với các nước đã thực hiện nhất quán chính sách “tự thủ”, “khép kín.”
Mặc dù vậy, triều Nguyễn không hoàn toàn “tuyệt giao” với những gì liên quan đến phương Tây (chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ). Các vua triều Nguyễn vẫn gửi phái bộ đi xem xét tình hình, mua đồ thiết yếu, súng đạn của phương Tây, học hỏi về khoa học kỹ nghệ...
Một số nhà Nho còn dâng điều trần đề nghị “giao hảo” với phương Tây như Nguyễn Trường Tộ với bản điều trần nhấn mạnh “xin nên nhanh chóng giao hảo tốt với người Anh.”
Các tàu Mỹ đến Việt Nam chủ yếu tìm kiếm thị trường và thiết lập quan hệ giao thương. Vua Minh Mạng cho phép họ thông thương, đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng nhưng không được xây nhà hay mở phố buôn bán.
Nhà vua dụ rằng, “triều đình ta với tinh thần mềm dẻo quý mến người phương xa, không tiếc gì mà không dung nạp họ [phái bộ Mỹ, năm 1832]. Tuy nhiên, họ mới tới lần đầu, các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiểu chưa được am tường; có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho họ biết, nếu muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt, nhưng phải tuân theo những hiến định đã có từ trước đến nay.
Từ nay, nếu có thương thuyền tới, thì cho phép được ghé vào cửa Đà Nẵng, Trà Sơn Úc, bỏ neo tại đó, chứ không được tự ý lên bộ. Đó là ý cảnh giác phòng gian nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậy”.
“Bọn họ [phái bộ Mỹ, năm 1836] đi xa 40.000 dặm biển do bởi tình cảm trân trọng đối với quyền uy và thế lực của triều đình ta. Nếu ta dứt khoát cắt đứt mọi quan hệ với họ, ta sẽ cho họ thấy là nước ta không bao giờ có thiện chí cả.”
“Không chống lại việc họ đến, không truy đuổi khi họ bỏ đi là ta đã theo những quy tắc cư xử lịch sự của một quốc gia văn minh.”
Với Pháp, thời Gia Long, việc buôn bán giữa hai nước diễn ra khá thuận lợi. Đến thời Minh Mạng, ban đầu nhà vua vẫn đối xử nhã nhặn với người Pháp nhưng sau đó, mọi cố gắng của người Pháp trong đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao bằng cách dâng vật phẩm và quốc thư đều bị vua Minh Mạng cự tuyệt.
Mặc dù vậy, ông không cấm tàu bè của thương nhân Pháp đến buôn bán. Thời Thiệu Trị, Tự Đức, chính sách “không phương Tây” vẫn được tiếp tục thực hiện.
Châu bản triều Nguyễn đề cập nhiều về việc tàu Pháp vào cửa biển nước ta xin giao thông, mang theo súng điểu thương, đá lửa… bán cho nước ta; Quốc vương Pháp gửi tặng lễ vật cho Quốc vương Việt Nam để tỏ tình hữu hảo.
Một số văn bản cho biết người Pháp đến nước ta dò xét và biện pháp đối phó của triều đình lúc bấy giờ.Bên cạnh đó, tàu thuyền các nước phương Tây cũng không ít lần nhận được sự giúp đỡ, đón tiếp của triều Nguyễn.
Châu bản có ghi, “nay có một chiếc thuyền buôn bọc đồng của nước Anh Cát Lợi bị chìm ở hải phận Bình Thuận do đâm phải đáy cạn”.
Không gian với phong cách kiến trúc đậm chất Á Đông trong phần 2: Mở cửa Đông, đưa người xem đến với những hoạt động bang giao triều Nguyễn với phương Đông.
Trong khi thực hiện chính sách “không phương Tây,” các vua triều Nguyễn lại ưu tiên phát triển mối quan hệ bang giao hòa hảo với các nước phương Đông như Cao Miên, Vạn Tượng, Xiêm La, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá…, đặc biệt với nước láng giềng Trung Quốc, khẳng định vai trò của một quốc gia hùng cường và tự chủ trong khu vực lúc bấy giờ...
Nói đến sự nghiệp ngoại giao của triều Nguyễn với các nước nói chung, Trung Quốc nói riêng, không thể không nói đến vai trò của các sứ thần với tư cách là những nhà ngoại giao trực tiếp thực hiện sứ mệnh cao cả mà triều đình và đất nước giao phó, “toàn quân mệnh, tráng quốc uy” (làm tròn mệnh vua, vẻ vang quốc thể).
Châu bản triều Nguyễn ghi chép cụ thể về việc tuyển chọn người đi sứ, mục đích của chuyến đi, thời gian đi và về, nơi sứ bộ đặt chân đến, hành trình, việc mua bán, trao đổi hàng hóa, kết quả chuyến đi và sự ghi nhận ban thưởng của triều đình đối với những đóng góp mà họ đã đem lại.
Đó là những gương mặt ngoại giao như Chánh sứ Trịnh Hoài Đức (1765-1825), chánh sứ Lê Quang Định (1759-1813), chánh sứ Nguyễn Du (1765-1820)…/.