Gỡ vướng cho dự án chống ngập nghìn tỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong hơn một năm dự án tạm dừng thi công từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi... đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.

Hạng mục cống ngăn triều Mương Chuối thuộc dự án chống ngập. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Khởi công từ năm 2016, siêu dự án chống ngập với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng của Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến hoàn thành năm 2018.

Tuy nhiên, hơn 7 năm qua dự án này phải tạm ngừng thi công nhiều lần, trễ hẹn ngày hoàn thành vì nhiều lý do.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) gồm 6 cống: Cây Khô, Mương Chuối, Phú Xuân (huyện Nhà Bè), Bến Nghé (quận 1), Tân Thuận (quận 7), Phú Định (quận 8).

Dự án sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thế nhưng đã gần 2 năm nay, công trình tạm ngừng thi công, một số hạng mục của các máy bơm có hiện tượng rỉ sét vì “đắp chiếu” lâu ngày.

Tháng 2/2019, Dự án được tái khởi động sau quá trình vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Nhân dân thành phố nhằm giải quyết các vướng mắc còn tồn tại.

Thời điểm đó, nhà đầu tư đưa ra mốc thời gian hoàn thành dự án vào quý 1 năm 2020, nhưng dự án tiếp tục phải dừng thi công vào tháng 11/2020.

Tháng 4/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 về việc tiếp tục triển khai Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để tháo gỡ vướng mắc cho dự án nhưng từ thời điểm đó đến nay, siêu dự án vẫn “dậm chân tại chỗ.”

Theo đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (chủ đầu tư Dự án), đến nay Dự án đã hoàn thành 93% tiến độ. Trong đó, 20 cống ngăn triều đã thi công đạt hơn 90%. Tuy nhiên, Dự án đang gặp vướng mắc trong phương thức thanh toán cho nhà đầu tư.

[Đạt 90% tổng giá trị xây lắp tại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng]

Theo hợp đồng đã ký giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhà đầu tư, Dự án được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, hình thức đầu tư BT bị xóa bỏ nên Dự án bị đình trệ.

Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại Dự án cũng gặp vấn đề trong việc ký phụ lục hợp đồng. Phía Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tách phần đất thanh toán cho nhà đầu tư với thời gian thực hiện hợp đồng dự án ra song phía ngân hàng tài trợ vốn và nhà đầu tư chưa đồng ý với phương án này. Vì vậy, phụ lục hợp đồng chưa được ký .

Triều cường gây ngập tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp giữa huyện Nhà Bè và quận 7. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Việc dừng thi công kéo dài dẫn đến nhiều hệ luỵ, phát sinh lớn chi phí. Theo nhà đầu tư, hơn một năm Dự án tạm dừng từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi... đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, Tổ đàm phán phụ lục hợp đồng BT Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) đã có văn bản tổng hợp đánh giá và nhận định, thống nhất phương pháp điều chỉnh thời gian thanh toán tiền song song với quỹ đất cho chủ đầu tư, phù hợp cho các bên là Ủy ban Nhân dân Thành phố, ngân hàng tài trợ vốn và chủ đầu tư dự án.

Theo thỏa thuận mới, thành phố dự kiến thay đổi quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư và đề xuất phương án điều chỉnh hợp đồng BT còn 5 khu đất với tổng giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng, thay vì 7 khu đất như phương án đưa ra trong hợp đồng hồi năm 2016. Thời gian thực hiện dự án sẽ được gia hạn cho đúng thực tế.

Theo Tổ đàm phán, phương án này sẽ tạo cơ sở để ngân hàng tài trợ cho Dự án giải ngân bởi nếu không có điều khoản quỹ đất thanh toán ở phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh thì ngân hàng tài trợ không tiếp tục ký hợp đồng tín dụng. Việc này cũng khiến Ngân hàng Nhà nước không thể gia hạn tái cấp vốn cho công trình.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng 3 khu đất với tổng diện tích 27.298m2, có giá trị gần 700 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho chủ đầu tư Dự án, bao gồm khu đất 5.500m2 tại Lô C8A - Khu A - Đô thị mới Nam thành phố (quận 7); khu đất 4.298m2 tại 762 Bình Quới (quận Bình Thạnh) và khu đất 17.500m2 tại 232 Đỗ Xuân Hợp (thành phố Thủ Đức).

Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường và giao, thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký kết.

Hai khu đất còn lại có giá trị khoảng 1.155 tỷ đồng, thành phố dự kiến sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin nhà đầu tư đưa ra điều kiện nếu thanh toán tiền đủ thì sẽ đẩy nhanh tiến độ, cuối năm 2022 hoặc chậm nhất là đầu năm 2023 hoàn thành dự án.

Tuy vậy, theo Ủy ban Nhân dân thành phố, quá trình tháo gỡ các vướng mắc không thể nóng vội mà phải làm đúng, vừa bảo đảm mốc thời gian đề ra và bảo đảm chất lượng dự án, không để nảy sinh những vấn đề pháp lý mới vì không còn thời gian sửa sai./.

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)