Giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể Nghề cói Kim Sơn với những nét đẹp độc đáo

Không những tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, nghề cói Kim Sơn còn trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo, vẫn luôn được bao thế hệ duy trì và phát triển.

Nghề trồng và chế biến cói đã gắn bó với người dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hàng trăm năm, trải qua bao thăng trầm nhưng nghề vẫn được duy trì và ngày càng phát triển.

Không những tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, nghề cói nơi đây còn trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo, vẫn luôn được bao thế hệ duy trì và phát triển.

Tinh hoa nghề cổ

Vùng đất Kim Sơn hình thành từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt khoảng năm 1829. Đây còn là vùng đất mở, hằng năm tốc độ bồi tụ tiến ra biển từ 80-100m.

Chính vì thế, Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi, quai đê lấn biển. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này nhiều loài cây như sú, vẹt, trong đó cây cói mang lại rất nhiều sản phẩm độc đáo từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề chiếu cói Kim Sơn ngày càng thể hiện được vị thế của mình và tồn tại, phát triển cho tới ngày nay. Nghề làm cói ở Kim Sơn không chỉ đơn thuần là một công việc thủ công mà còn là một quá trình sáng tạo đầy đam mê. Sản phẩm cói mỹ nghệ ở Kim Sơn được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mà giá thành lại rẻ.

Từ những sợi cói nhỏ óng mượt, những người thợ không ngừng học hỏi, cải tiến kỹ thuật, đưa vào những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Từ những sản phẩm truyền thống là chiếu, người dân Kim Sơn đã phát triển thêm nhiều mặt hàng đa dạng, hữu dụng, phong phú về mẫu mã, chủng loại như: thảm, làn, khay, mũ, túi xách, đồ trang trí nội thất, đồ gia dụng… mang hơi thở hiện đại và nét đặc trưng riêng của miền quê Kim Sơn vào những chất liệu tự nhiên.

Với sự sáng tạo cùng đôi bàn tay khéo léo, nhiều sản phẩm của làng nghề đã đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Người dân có nguồn thu nhập ổn định nên cũng vì thế mà gắn bó hơn với nghề.

Bà Ngô Thị Phương, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn cho biết, để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng, thu hoạch cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm.

Do được làm bằng nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc nên được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Làng nghề cói Kim Sơn không chỉ là điểm đến kinh tế để giao thương, mua sắm, mà còn là một điểm đến văn hóa hấp dẫn, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của vùng đất Ninh Bình.

Chị Trần Thùy Nhi, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vina Handicrafts, huyện Kim Sơn cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nơi đây đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị hiếu khách hàng nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong xu thế hội nhập, nhiều làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, thậm chí thất truyền do không đủ sức cạnh tranh, nghề cói Kim Sơn vẫn được bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống.

Vươn tầm thế giới

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 37 làng nghề cói, tập trung chủ yếu tại huyện Kim Sơn. Riêng địa bàn huyện Kim Sơn có 25 làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ chuyên sản xuất cói, bèo xuất khẩu, với hơn 5.000 doanh nghiệp và hộ cá thể tham gia trồng, sơ chế và sản xuất những sản phẩm liên quan đến cói, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hàn Quốc...

Theo thống kê, mỗi năm doanh thu từ chế biến cói của huyện Kim Sơn đạt trên 200 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu hàng cói mỹ nghệ trong quý I năm nay của Kim Sơn đạt gần 80 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nghề đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gần 30.000 lao động địa phương.

Năm 2024, Nghề cói Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người làm nghề, tiếp thêm động lực để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương mà còn góp phần khẳng định mạnh mẽ vị thế, thương hiệu địa phương và nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thời gian qua, để gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không ngừng nghiên cứu, cải tiến mẫu mã sản phẩm; thường xuyên quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động để tạo ra sản phẩm chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú.

Ngoài ra, các hợp tác xã, các tổ chức địa phương cũng tích cực triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Ông Phạm Văn Sang, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kim Sơn, cho rằng nghề cói ở Kim Sơn không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể cần được trân trọng và gìn giữ cho muôn đời sau. Phát triển nghề truyền thống từ cây cói đã góp phần cải thiện diện mạo, đời sống của người dân Kim Sơn.

Việc nghề cói Kim Sơn được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một dấu mốc quan trọng trong việc nhận diện, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế; qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Hiện nay, huyện Kim Sơn đang chú trọng phát triển du lịch làng nghề nhằm khai thác, nâng cao tối đa hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân; đặc biệt là quảng bá, gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị nghề cói truyền thống trong đời sống hiện đại.

Với lòng yêu nghề, sự sáng tạo không ngừng và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, người dân Kim Sơn vẫn đang nỗ lực từng ngày để giữ gìn và phát huy giá trị di sản Nghề làm cói Kim Sơn./.