Giới đầu tư kêu gọi G20 điều chỉnh chính sách trợ cấp nông nghiệp
Để ngăn chặn tác động của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với khí hậu và môi trường, các nhà đầu tư kêu gọi các nền kinh tế gắn việc hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp với các nghĩa vụ môi trường.
Nhóm 32 nhà đầu tư quản lý số tài sản trị giá tổng cộng 7.300 tỷ USD đã kêu gọi các quốc gia giàu có thuộc Nhóm Các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) điều chỉnh chính sách trợ cấp nông nghiệp phù hợp với các mục tiêu về khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030.
Hãng Reuters ngày 22/8 đưa tin nhóm nhà đầu tư nói trên - trong đó có nhà quản lý tài sản lớn nhất nước Anh LGIM và công ty dịch vụ tài chính BNP Parisbas có trụ sở tại Pháp - đã đưa ra lời kêu gọi trên đối với những người đứng đầu ngành tài chính của các nền kinh tế phát triển thuộc G20 trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng Chín tới tại Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư tập hợp và gửi kiến nghị về vấn đề trợ cấp nông nghiệp trên toàn cầu.
Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2021 cho thấy 87% trong tổng số 540 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp hằng năm, trong đó có các biện pháp trợ giá, có thể gây hại môi trường tự nhiên cũng như sức khỏe con người.
Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ Anh về đa dạng sinh học công bố cùng năm cho thấy mỗi năm các khoản trợ cấp cho nông nghiệp gây thiệt hại từ 4.000-5.000 tỷ USD cho môi trường tự nhiên.
[Chủ tịch COP28 kêu gọi G20 đi đầu trong hành động khí hậu]
Bà Helena Wright, Giám đốc chính sách của Sáng kiến FAIRR - gồm các nhà đầu tư quản lý 70.000 tỷ USD vốn đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng các quốc gia giàu có phải nhanh chóng hành động, kể cả khi thế giới đã đạt được thỏa thuận về bảo vệ đa dạng sinh học tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) ở Monreal (Canada) hồi tháng 12/2022.
Bà nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư kêu gọi G20 phát huy vai trò tiên phong và đảm bảo đáp ứng các cam kết bảo vệ khí hậu và thiên nhiên.”
Để ngăn chặn những tác động của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với khí hậu và môi trường tự nhiên, các nhà đầu tư kêu gọi các nền kinh tế gắn việc hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp với các nghĩa vụ về môi trường, trong đó có Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết bảo vệ đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế cần thực hiện các biện pháp khuyến khích nông nghiệp tập trung vào phát triển bền vững; loại bỏ trợ cấp đối với sản phẩm có tác động lớn đến lượng khí thải, ví dụ như sữa hoặc thịt đỏ; tăng kinh phí giúp những người lao động bị ảnh hưởng từ việc chuyển đổi.
Người đứng đầu bộ phận quản lý châu Âu tại BNP Paribas, bà Rachel Crossley, khẳng định “cần chuyển đổi toàn bộ hệ thống thực phẩm, vì đây là một trong những hệ thống gây hại nhất cho khí hậu và thiên nhiên."
Sáng kiến FAIRR ra mắt năm 2016 nhằm cung cấp dữ liệu, nghiên cứu và sáng kiến vận động nhằm giải quyết các rủi ro và cơ hội trong lĩnh vực thực phẩm.
FAIRR đã vận động Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đề ra lộ trình toàn cầu cho lĩnh vực thực phẩm đến năm 2050. Lộ trình này sẽ được công bố tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 11 tới tại thủ đô Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Năm 2021, G20 đã kêu gọi các nền kinh tế thành viên xác định mục tiêu giảm lượng khí thải nông nghiệp trong kế hoạch quốc gia về phát thải ròng bằng 0. Sáng kiến này đã được nước chủ nhà COP28 đón nhận và dự định sẽ đề nghị các thành viên ký tuyên bố có nội dung cam kết này./.