Giáo sư Trần Hồng Quân với những dấu ấn trong đổi mới giáo dục đại học
Giáo sư Trần Hồng Quân được nhiều thế hệ biết đến là nhà giáo dục tận tụy, tâm huyết, một vị Bộ trưởng có vai trò đặt nền móng cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học thời kỳ đất nước mở cửa.
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từ trần vào hồi 13 giờ 00 phút ngày 25/8/2023 tại Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) ở tuổi 87.
Giáo sư Trần Hồng Quân được nhiều thế hệ biết đến là nhà giáo dục tận tụy, tâm huyết, một vị Bộ trưởng có vai trò đặt nền móng cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học thời kỳ đất nước mở cửa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chia sẻ cả cuộc đời mình, Giáo sư Trần Hồng Quân luôn “nặng lòng” với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và xã hội hóa giáo dục. Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi xướng để mở ra hệ thống các trường đại học ngoài công lập.
[Tang lễ ông Trần Hồng Quân tổ chức theo nghi thức Lễ tang Cấp cao]
Trước năm 1987, ngành Giáo dục chỉ tồn tại duy nhất mô hình trường đại học công lập, do Nhà nước thành lập và bao cấp. Khi vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề năm 1987, Giáo sư Trần Hồng Quân đã lắng nghe đề xuất của chuyên gia, nhà giáo dục để mạnh dạn đề xuất với Chính phủ lúc bấy giờ cho mở mô hình đại học ngoài công lập.
Trường Đại học Thăng Long là đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập và sau đó là sự ra đời của hàng loạt trường đại học ngoài công lập khác.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, chỉ có phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập mới đỡ được gánh nặng cho cả hệ thống và phát triển được một cách đa dạng các mô hình giáo dục đại học, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Khi trên cương vị Bộ trưởng, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng chủ trương một số chương trình mục tiêu để tập trung nguồn kinh phí nhằm giải quyết các vấn đề của giáo dục, như: Chương trình nghiên cứu khoa học; Nhà trường gắn với xã hội và lao động sản xuất; Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, xây dựng hệ thống trường sư phạm; Xây dựng các trường chuẩn cho phổ thông cơ sở vùng khó khăn; Xây dựng trường cho vùng bão lụt; xây dựng ký túc xá sinh viên… Nhờ những chương trình mục tiêu đó, giáo dục của chúng ta đã có những bước khởi sắc.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: "Với tôi, Giáo sư Trần Hồng Quân là một người thầy lớn mà những bài học tôi phải học mãi, đó là tận tâm với giáo dục nước nhà; tư duy cải cách mạnh mẽ; kiên trì với cái đúng, cái mới; tận tụy, điềm tĩnh lắng nghe, cân nhắc trong mọi việc."
"Hàng loạt đổi mới, cải cách trong giáo dục đại học đã được triển khai, khơi mào triển khai và luôn được thầy kiên trì đeo đuổi như: đào tạo theo hệ thống tín chỉ, bình đẳng trong tuyển sinh, phát triển hệ thống giáo dục tư thục, đẩy mạnh tự chủ đại học một cách thực chất, vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục của người dân… Tất cả là tâm huyết, là ước mơ, là cuộc sống mà thầy đã cống hiến cho đến những ngày cuối cùng," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thanh Bình nói.
Ngay cả khi nghỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn dành nhiều tâm huyết góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ông vẫn tham gia tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị góp ý xây dựng chính sách phát triển ngành, đội ngũ nhà giáo, chăm lo cho các thế hệ sinh viên, học sinh.
Là người trăn trở với nỗi vất vả, khó khăn của nhà giáo, trong buổi gặp mặt, trò chuyện với Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) cách đây vài năm, Giáo sư Trần Hồng Quân đã nêu rất rõ quan điểm về chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Theo đó, sự nghiệp đổi mới của ngành Giáo dục nếu không cải thiện thu nhập, đời sống thầy cô giáo, sẽ không thể tạo ra động lực. Ngành Giáo dục nước nhà muốn mạnh, điều cốt lõi là đội ngũ người thầy mạnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành lại là khó chiêu mộ và giữ chân được người tài chỉ vì chính sách tiền lương còn hạn chế.
Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh: "Muốn thu hút được người giỏi phải đảm bảo đời sống tối thiểu cho thầy cô. Nhưng hàng chục năm rồi người thầy vẫn còn khổ quá thì đó là vấn đề lớn, đáng bàn."
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Quân sinh ngày 15/2/1937, quê xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 10 năm (1987-1997); là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII và VIII; đại biểu Quốc hội khóa VIII, khóa X; nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hồng Quân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của đồng chí Trần Hồng Quân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang đồng chí Trần Hồng Quân với nghi thức Lễ tang Cấp cao.
Lễ viếng tổ chức vào hồi 11 giờ 00 phút, ngày 27 tháng 8 năm 2023 (tức ngày 12 tháng 7 năm Quý Mão) tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ truy điệu tổ chức vào hồi 9 giờ 00 phút, ngày 29 tháng 8 năm 2023 (tức ngày 14 tháng 7 năm Quý Mão).
Lễ an táng cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)./.