Giáo sư người Italy: Kể về lịch sử opera theo cách ít nhàm chán nhất
Giáo sư Gianni Kriscak, chủ biên bộ sách khảo cứu “Lịch sử Opera Ý” mong muốn giới nghệ sỹ và công chúng Việt Nam hiểu rõ hơn về thời kỳ sơ khai của bộ môn nghệ thuật này.
Opera là loại hình nghệ thuật biểu diễn hình thành ở Italy vào cuối thế kỷ 16, sau đó lan truyền khắp châu Âu và thế giới. Tại Việt Nam, opera xuất hiện vào thế kỷ 19 và đến nay đã trở thành một phần của âm nhạc Việt Nam, thể hiện sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài trên cơ sở nền tảng âm nhạc truyền thống.
Với mục đích cung cấp thêm kiến thức về lịch sử opera cho công chúng và nghệ sỹ Việt Nam, Giáo sư âm nhạc người Italy Gianni Kriscak đã cùng hai giảng viên-nghệ sỹ Nguyễn Thị Hiền (Hiền Nguyễn Soprano) và Trịnh Thị Oanh giới thiệu bộ sách khảo cứu “Lịch sử Opera Ý” bằng tiếng Việt.
Nhân dịp Giáo sư sang Việt Nam để ra mắt sách, ông đã trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về mong muốn ngày càng nhiều người hiểu rõ hơn về bộ môn nghệ thuật opera.
Tìm về buổi bình minh của opera
- Thưa Giáo sư, lý do gì mà ông bắt tay vào thực hiện bộ sách này và vì sao ông lựa chọn Việt Nam để xuất bản sách?
Giáo sư Gianni Kriscak: Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều người làm nghệ thuật dù là ca sỹ hay chỉ huy, đạo diễn sân khấu nhạc kịch cũng không hiểu rõ về xuất xứ hay nguồn gốc của opera. Đặc biệt ở Việt Nam, những cuốn sách chuyên khảo về opera lại rất hiếm.
Năm 2016, tôi đã có cơ hội đến Việt Nam giảng dạy. Tôi gặp Hiền Nguyễn Soprano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi nhận thấy cô ấy có sự quan tâm lớn đối với văn hóa châu Âu đặc biệt là opera và văn hóa Italy. Tôi có thể nói chuyện với cô ấy bằng tiếng Anh và tiếng Italy.
Hai năm trước, Hiền Nguyễn đã chia sẻ với tôi ý tưởng làm một cuốn sách về opera, tập trung vào giai đoạn sơ khai của bộ môn nghệ thuật này.
Opera được sinh ra ở Italy, không phải ở Đức, Pháp hay Nga. Tôi nghĩ rằng bộ môn nghệ thuật này có một nền tảng, bối cảnh lịch sử, xã hội riêng. Tôi và Hiền Nguyễn Soprano có cùng mong muốn lan tỏa kiến thức đó đến với mọi người, đặc biệt ở nơi còn thiếu thốn thông tin. Do đó, chúng tôi quyết định thực hiện cuốn sách này tại Việt Nam. Hiền Nguyễn mời giảng viên âm nhạc Trịnh Thị Oanh cùng tham gia dự án này. Hiền Nguyễn phụ trách biên dịch toàn bộ phần của tôi sang tiếng Việt.
- Ông chọn cách kể chuyện như thế nào để bộ môn nghệ thuật hàn lâm này đến gần hơn với người đọc?
Giáo sư Gianni Kriscak: Với tập đầu tiên gồm 194 trang sách, chúng tôi sẽ kể về opera theo cách ít nhàm chán nhất.
Tôi cố gắng đưa ra những lời giải thích ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ thông tin về những gì đã xảy ra trong xã hội, về sự phát triển chính trị, về vai trò của nhà hát trong xã hội Italy. Tôi không “tham” liệt kê quá nhiều cái tên hay chi tiết bởi sẽ khiến cho cuốn sách nặng nề và phức tạp đối với bạn đọc Việt Nam (và cả ở Italy cũng vậy). Tôi cố gắng đề cập đến những khoảnh khắc quan trọng và thú vị nhất trong giai đoạn đầu tiên của opera, khi mà hình thái sơ khai của opera là "kịch phụng vụ," đóng vai trò truyền tải tư tưởng tôn giáo. Lúc đó, phụ nữ không được phép bước lên sân khấu, các vai nữ hoàn toàn do nam giới đảm nhận. Độc giả cũng sẽ hiểu hơn về các hình thái khác nhau của opera, các chất giọng opera.
Chúng tôi dự kiến chia bộ sách thành hai tập. Tập thứ nhất trình bày lịch sử của nhạc kịch từ buổi bình minh (thế kỷ 16) đến khoảng giữa thế kỷ 18, giai đoạn ít được biết đến nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Tập thứ hai sẽ bàn về giai đoạn sau đó cho đến thời điểm thoái trào.
Hiểu opera với tinh thần Italy
- Là một nghệ sỹ, nhạc trưởng và giáo sư âm nhạc có nhiều kinh nghiệm trên thế giới, ông có sự cảm nhận như thế nào về opera Việt Nam?
Giáo sư Gianni Kriscak: Trong những năm nghiên cứu, chúng tôi đánh giá cao sự cống hiến và nhiệt huyết của các nhà lý luận phê bình âm nhạc và nghệ sỹ Việt Nam trong việc nghiên cứu opera. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cần ược hỗ trợ với một lượng kiến thức về lịch sử opera đồ sộ. Chúng tôi hy vọng với cuốn sách của mình, nhóm tác giả có thể đưa các nhạc sỹ và công chúng Việt Nam đam mê âm nhạc opera đến gần hơn với tinh thần Italy.
Có một thực tế là nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày nay thờ ơ với opera và các bộ môn nghệ thuật hàn lâm. Điều này cũng xảy ra ở Italy nên tôi rất thấu hiểu.
Tôi hy vọng rằng cuốn sách với những kiến thức rất cơ bản này sẽ được phổ cập trong xã hội và giáo dục phổ thông, để opera gần gũi hơn với khán giả Việt Nam.
- Nhân dịp này, ông có kế hoạch gì để tìm hiểu kỹ hơn về opera và âm nhạc Việt Nam?
Giáo sư Gianni Kriscak: Tối 1/3, chúng tôi có một buổi hòa nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi sẽ chơi piano cùng giọng ca soprano Hiền Nguyễn và nghệ sỹ bass-baritone Quốc Đạt. Chúng tôi sẽ cùng biểu diễn những bản nhạc cổ điển, bán cổ điển của Việt Nam và thế giới, trong đó có bản “Ru con mùa Đông” (Đặng Hữu Phúc) và “Cung đàn mùa Xuân” (Cao Việt Bách). Quá trình tập luyện với các nghệ sỹ đã mang đến cho tôi cơ hội hiểu hơn về âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, chuyến công tác này quá ngắn ngủi. Tôi sẽ trở lại để tìm hiểu kỹ hơn về opera Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.