Giáo dục đóng vai trò là cầu nối trong quan hệ Việt Nam và Đức

Chuyên gia cho rằng nếu thế mạnh của hai nước được kết hợp một cách sáng tạo và mỗi bên đều đóng góp thế mạnh của mình trong giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cả hai bên sẽ đều có lợi.

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 23 và 24/1 tới theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Kambiz Ghawami, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới Đức.

Đánh giá về thành tựu hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực giáo dục đại học, Tiến sỹ Kambiz Ghawami khẳng định hợp tác giữa Đức và Việt Nam có truyền thống rất lâu đời và phát triển rất tích cực trong nhiều thập kỷ qua. Kể từ những năm 1950, nhiều người Việt Nam đã học và được đào tạo ở cả Đông Đức và Tây Đức.

Một số cựu sinh viên sau này đã giữ các chức vụ lãnh đạo ở Việt Nam và nhiều người khác, sau khi tốt nghiệp đại học ở Đức đã sử dụng tốt những kiến thức vào nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam, đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và Đức.

Trong 10 năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam tại Đức đã tăng từ 2.717 học sinh (năm 2013) lên 7.600 học sinh hiện nay. Tuy nhiên, đây là số liệu của những sinh viên có hộ chiếu Việt Nam. Ngoài ra, còn có hàng nghìn sinh viên Việt Nam khác có hộ chiếu Đức không được thống kê.

Ngoài con số hơn 7.600 sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Đức, cũng phải tính đến gần 3.000 sinh viên đang theo học tại Đại học Việt-Đức (VGU) ở Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, hiện nay, có hơn 10.000 sinh viên Việt Nam trong số liệu thống kê.

Ngược lại, số sinh viên Đức du học tại Việt Nam đáng tiếc vẫn còn hạn chế, chưa đến 50 sinh viên/năm, vì vậy cần nhiều thông tin, ưu đãi hơn nữa để Việt Nam trở thành địa điểm du học hấp dẫn.

Một lợi thế tích cực là Đại học VGU thường xuyên tiếp nhận các sinh viên Đức đến từ các trường đại học đối tác của VGU tại Việt Nam, mỗi lần một học kỳ, như một phần của Chương trình liên kết Đào tạo cấp hai bằng đại học.

Các chương liên kết này là chìa khóa để tăng số lượng sinh viên Đức tại các trường đại học Việt Nam, vì từ đây sinh viên có cơ hội tìm hiểu về con người và văn hóa Việt Nam ngoài việc học.

Trường Đại học VGU, thành lập năm 2008, chính là mô hình góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa các trường đại học ở Việt Nam và từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có khả năng cạnh tranh quốc tế và có vị trí trên trường khoa học thế giới.

Tiến sỹ Kambiz Ghawami cho biết từng là thành viên tham gia ký kết tuyên ngôn thành lập trường Đại học Việt-Đức năm 2008, trên cương vị là Ngoại trưởng Đức, ông Steinmeier gọi đây là dự án hợp tác hướng tới tương lai với mục đích giúp thế hệ trẻ quan tâm tới quan hệ song phương.

Theo Tiến sỹ Kambiz Ghawami, với ý nghĩa này, hợp tác giữa Đức và Việt Nam như “dự án ngọn hải đăng," thúc đẩy hợp tác toàn cầu thay vì hành động một mình. Kể từ khi thành lập, trường VGU luôn hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á.

Về mặt nghiên cứu, VGU đóng vai trò là cầu nối đặc biệt giữa Việt Nam và Đức. Hiện VGU và các trường đại học đối tác đang nghiên cứu các dự án chung có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đề cập đến triển vọng hợp tác Việt Nam-Đức trong lĩnh vực giáo dục thời gian tới và những lĩnh vực Đức có thế mạnh, Tiến sỹ Kambiz Ghawami cho biết chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chung giữa Đức và Việt Nam, cũng như trong hợp tác lĩnh vực giáo dục.

Đức và Việt Nam có nhiều điểm chung, đã tăng cường và mở rộng giáo dục trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, theo quan điểm của ông Ghawami, hai nước cần đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, vì giáo dục là yếu tố then chốt cho sự thịnh vượng quốc gia. Nếu thế mạnh của hai nước được kết hợp một cách sáng tạo và mỗi bên đều đóng góp thế mạnh của mình trong giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cả hai bên sẽ đều có lợi.

Tiến sỹ Ghawami nhấn mạnh thêm rằng Đức nổi tiếng về kỹ thuật và Việt Nam nổi tiếng về sự sáng tạo. Sự kết hợp của hai thế mạnh này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa Việt Nam và Đức./.