Giảm tình trạng cận thị ở trẻ em: Cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử
Tại Hà Nội có 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.
Các nghiên cứu gần đây của ngành y tế đã cho thấy tỷ lệ cận thị ở trẻ em Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí có lớp trên 50% học sinh bị cận thị.
Thông tin trên được đưa ra tại Lễ phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng “Mắt khoẻ ngời sáng tương lai,” do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương và các đơn vị tổ chức ngày 7/10 tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), nhân Ngày Thị giác Thế giới (10/10/2024) với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em.”
Tỷ lệ học sinh bị cận thị tăng
Phát biểu tại buổi Lễ phát động Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, Bộ Y tế luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Hiện nay, trên cả nước, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và gần 100% trẻ em đến độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trường cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại Hồ Chí Minh của Bệnh viện Mắt Trung ương, Hà Nội có 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh một trong những chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh được đề ra tại Kế hoạch Chương trình sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế là tăng tỷ lệ học sinh được tầm soát phát hiện giảm thị lực, được kê đơn kính và được hướng dẫn rèn luyện thị lực lên 40% vào năm 2025.
Chương trình nhằm lan tỏa thông điệp về vai trò quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt khỏe, qua đó cùng chung tay với các bậc phụ huynh và nhà trường trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho trẻ thơ.
Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương cho hay trong thời gian tới, chương trình sẽ được lan tỏa thông qua nhiều hoạt động đa dạng, như: Ngày hội mắt khỏe kết hợp khám mắt, tổ chức trò chơi cho học sinh và hội thảo cho phụ huynh tại 20 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp khám và phát hiện các bệnh về mắt sớm cho trẻ em mà quan trọng hơn, chương trình sẽ chia sẻ các kiến thức, hướng dẫn phụ huynh và các em có thêm các kỹ năng, các thông tin về lợi ích, hiệu quả của chăm sóc, nuôi dưỡng đôi mắt trẻ, tránh được các tật khúc xạ và phát hiện các bệnh lý về mắt.
Đặc biệt, để hành trình tiếp thu kiến thức bảo vệ, chăm sóc đôi mắt cho trẻ được toàn diện hơn, chương trình còn phát hành chuỗi chuyên đề truyền thông-giáo dục và bài hát chủ đề của Chương trình với nội dung vui tươi, sinh động.
Cần hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
Phân tích về thực trạng các bệnh về mắt ở trẻ em, Phó giáo sư Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết thêm, hiện nay, theo các nghiên cứu gần nhất tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố ngày càng gia tăng. Giới khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến cận thị, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng cận thị như thời gian nhìn gần quá nhiều trong không gian hẹp, hạn chế chơi ngoài trời, thời gian đọc sách nhìn gần quá nhiều, sử dụng các thiết bị điện tử…
Bác sỹ Đông phân tích, việc trẻ em mắc cận thị và các bệnh về mắt sẽ làm hạn chế khả năng học tập của trẻ. Nếu không được phát hiện sớm, can thiệp sớm, quá trình tiến triển cận thị nhanh lên làm trẻ bị cận thị nặng hơn. Việc can thiệp sẽ hạn chế biến chứng do cận thị gây ra.
Vì vậy, để phòng các tật khúc xạ ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, cho trẻ không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình. Trong thời buổi công nghệ số như hiện nay, trẻ em tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh như máy tính, điện thoại… là điều không thể tránh khỏi, vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm sát hơn để nhắc nhở trẻ nhằm điều tiết thời gian sử dụng của trẻ không quá lâu.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần nắm được nguyên tắc 20-20-20 để nhắc nhở và hướng dẫn cho trẻ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử nên cho mắt bé nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 feet (khoảng 6m).
Theo các chuyên gia về nhãn khoa, giảm thị lực do tật khúc xạ không được điều trị sẽ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt của trẻ em. Ngoài ra, tật khúc xạ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: nhược thị, lác, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc… thậm chí gây mù lòa.
Để nhận biết trẻ bị tật khúc xạ, các phụ huynh chú ý các dấu hiệu như: Trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn; Không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng. Đặc biệt, việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt.
Vì vậy, các bậc phụ huynh ngay khi phát hiện những biểu hiện trên cần đưa trẻ đến các cơ sở y khoa chuyên khoa mắt để được thăm khám sớm và kịp thời./.