Giảm thủ tục 'quanh co, trùng lặp' trong quy định về hoạt động lấn biển
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, việc xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển phải chặt chẽ, khả thi, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển phải giảm bớt thủ tục quanh co, trùng lặp và tích hợp thành một bộ thủ tục thống nhất để tối ưu hóa thời gian giải quyết của các bộ, ngành; giảm chi phí và thời gian cho nhà đầu tư.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển, quy định chi tiết Điều 190 Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 12/3, tại Trụ sở Chính phủ.
Việc ban hành Nghị định hoạt động lấn biển là cần thiết để quy định chi tiết Điều 190 Luật Đất đai (sửa đổi) và thực hiện Nghị quyết số 109/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đã giao Chính phủ trong năm 2024 ban hành quy định về hoạt động lấn biển.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo, một trong những quan điểm quan trọng nhất của dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển là phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; không điều chỉnh hoạt động lấn biển phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.
Dự thảo Nghị định quy định số nội dung trọng tâm liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư; giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển được xác định để lấn biển; nghiệm thu hoàn thành lấn biển.
Dự thảo còn xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất lấn biển; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lấn biển; quy định xử lý chuyển tiếp với trường hợp đã thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực...
Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trao đổi, cho ý kiến về tính trừ chi phí lấn biển vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định chủ đầu tư chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với phần đất được hình thành từ hoạt động lấn biển sau khi có thông báo kết quả nghiệm thu hoàn thành lấn biển và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Các ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định cần rà soát, bổ sung các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng cá, khu hậu cần nghề cá trên biển... vào phạm vi điều chỉnh; xây dựng sơ đồ quy trình thực hiện dự án lấn biển; tách quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư lấn biển và hạng mục lấn biển sử dụng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn tư nhân; quy định rõ mốc thời triển khai dự án đầu tư sử dụng đất hình thành từ hoạt động lấn biển; rút ngắn thời gian nghiệm thu hoàn thành lấn biển...
Nhấn mạnh hoạt động phát triển quỹ đất theo hướng lấn ra biển là lợi ích quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, trong hoạt động này, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia; kiểm soát để hoạt động lấn biển hài hòa với quản lý, khai thác, sử dụng biển nhằm giữ gìn các giá trị môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái trong các quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
“Nghị định không được bỏ sót các hoạt động kinh tế, xã hội liên quan đến lấn biển để quản lý thống nhất,” Phó Thủ tướng lưu ý.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, Phó Thủ tướng yêu cầu, việc xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển phải chặt chẽ, khả thi, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật chuyên ngành; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể./.