Giám đốc Tài chính của Boeing thừa nhận sẽ phải 'đốt tiền' cả năm 2024
Theo Giám đốc tài chính Brian West của Boeing, công ty sẽ phải "đốt tiền mặt" trong quý 2 ở mức tương đương hoặc nhiều hơn "một chút" so với con số 3,9 tỷ USD đã sử dụng trong quý đầu tiên.
Giám đốc Tài chính của Boeing ngày 23/5 cho hay công ty sẽ “đốt tiền” thay vì kiếm được tiền trong năm nay cũng như việc giao hàng sẽ không tăng trong quý 1 này.
Phát biểu tại Hội nghị Công nghiệp và Vận tải Toàn cầu của Công ty tư vấn Wolfe Research, Giám đốc tài chính Brian West của Boeing cho hay dòng tiền tự do cả năm của Boeing dự kiến sẽ âm, đảo ngược so với triển vọng tạo ra dòng tiền dương ở mức thấp một chữ số được đưa ra vào tháng Ba.
Ông West cho biết hoạt động giao hàng sẽ không tăng trong quý 2/2024 so với ba tháng đầu năm, thừa nhận Boeing đã khiến khách hàng thất vọng do các vấn đề về chuỗi cung ứng và sản xuất.
Theo ông, do sự gián đoạn sản xuất và việc chậm giao hàng đến Trung Quốc, Boeing sẽ phải "đốt tiền mặt" trong quý 2 ở mức tương đương hoặc nhiều hơn "một chút" so với con số 3,9 tỷ USD đã sử dụng trong quý đầu tiên.
Những nhận xét về dòng tiền âm đã khiến cổ phiếu của Boeing giảm 7,6% trong phiên 23/5 và đóng cửa ở mức 172,21 USD. Tính từ đầu năm tới phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu Boeing đã giảm gần 32%.
Các nhận xét này càng làm trầm trọng thêm vấn đề của công ty khi những thách thức trong sản xuất và việc giao hàng sang Trung Quốc bị trì hoãn làm suy yếu triển vọng vốn đã khiêm tốn của Boeing cho năm 2024.
Ông Ben Tsocanos, phụ trách mảng các hãng hàng không tại Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho biết ông đã dự kiến xếp hạng năm nay của Boeing sẽ thấp hơn kỳ vọng. Và những phát biểu của ông West khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Hoạt động sản xuất máy bay phản lực của Boeing đã chậm lại đáng kể trước sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, hãng hàng không và giới lập pháp sau sự cố bung cánh cửa hồi tháng 1 của Alaska Airlines.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đưa ra thời hạn ngày 30/5 để nhà sản xuất máy bay bàn giao báo cáo 90 ngày nhằm giải quyết "các vấn đề kiểm soát chất lượng có hệ thống."
Quản trị viên FAA Mike Whitaker cho rằng Boeing vẫn còn một con đường dài phía trước để giải quyết các vấn đề an toàn cho các máy bay của mình.
Trong khi đó, việc bàn giao máy bay của Boeing cho Trung Quốc bị chậm trễ trong những tuần gần đây do Trung Quốc tiến hành đánh giá định kỳ về pin liên quan đến thiết bị ghi âm buồng lái (CVR).
Hãng sản xuất máy bay của Mỹ cho biết đang làm việc với các khách hàng Trung Quốc về thời gian bàn giao khi Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc hoàn tất việc đánh giá.
Boeing có khoảng 140 máy bay 737 MAX 8 trong kho, trong đó 85 chiếc của các khách hàng Trung Quốc. Hãng đã bàn giao 22 chiếc cho Trung Quốc trong năm 2024 (tính đến tháng Tư) nhưng trong những tuần gần đây không bàn giao máy bay mới cho các khách hàng Trung Quốc do đợt kiểm tra.
Hiện chưa rõ cuộc kiểm tra kéo dài trong bao lâu và mức độ tác động đến các mục tiêu bàn giao máy bay của Boeing đến đâu.
Theo Boeing, FAA đã chứng nhận hệ thống CVR với thời gian ghi âm 25 giờ, lưu trữ nhiều dữ liệu hơn so với các phiên bản trước và đã được các nhà chức trách châu Âu chấp thuận.
Boeing hồi tháng 1/2024 đã nối lại việc bàn giao máy bay 737 MAX bán chạy nhất cho một hãng hàng không Trung Quốc, kết thúc gần 5 năm dừng nhập khẩu và dự kiến bàn giao đơn hàng tồn hàng chục chiếc MAX đã hoàn thành cho Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên dừng hoạt động máy bay MAX sau hai vụ tai nạn vào năm 2018 và 2019, khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Quốc hội Trung Quốc trong tháng này đã thông qua quy định yêu cầu toàn bộ các máy bay được sản xuất trong tương lai sẽ phải được lắp đặt CVR 25 giờ.
Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới Avia Solutions mới đây cảnh báo các khách hàng có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng hủy chuyến vào mùa Hè này do khủng hoảng an toàn tại Boeing khiến các hãng hàng không phải vật lộn để đảm bảo đủ máy bay.
Theo Avia, các hãng hàng không châu Âu có khả năng sẽ phải cắt giảm lịch trình bay trong những tháng tới.
Nguyên nhân gây ra tình trạng hủy chuyến được cho là do việc bàn giao máy bay cho các hãng hàng không bị chậm trễ sau sự cố tấm cửa sổ và một mảnh thân trên máy bay của Boeing nổ tung giữa không trung, làm dấy lên lo ngại về an toàn và gây ra chậm trễ sản xuất trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hậu COVID-19.
Ông Gediminas Ziemelis, Chủ tịch Avia có trụ sở tại Dublin, cho biết chúng ta đang chứng kiến nhu cầu cao vượt trội. Lần gần nhất xảy ra tình trạng tương tự như vậy là khi lưu lượng hành khách phục hồi sau sự kiện 11/9. Các hãng hàng không đang rất cần máy bay do các vấn đề sản xuất nhưng nguồn cung đã cạn kiệt.
Boeing đã báo lỗ 343 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2024, phản ánh những rắc rối về an toàn gần đây khiến việc sản xuất và giao hàng bị chậm lại. Boeing đã tạm thời giảm sản lượng máy bay 737 bán chạy nhất của mình sau sự cố của một chiếc máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines hồi tháng 1/2024, điều này đã làm dấy lên sự giám sát chặt chẽ từ các nhà quản lý Mỹ./.