Giám đốc LHP Annecy: “Studio hoạt hình Việt Nam cần phối hợp để đi đường dài”

Theo Giám đốc Liên hoan phim Annecy, các studio hoạt hình tại Việt Nam cần phối hợp để phát triển, tạo ra sự đoàn kết, đồng thuận để cùng nâng cao vị thế của mình với quốc tế.

4 phim hoạt hình dự kiến được chiếu rạp trong năm 2025. (Ảnh tổng hợp)

Làm phim chiếu rạp là ước mơ của mỗi studio hoạt hình, đặc biệt tại Việt Nam, khi các nhà sản xuất có hoài bão lớn nhưng lại khó tìm kinh phí làm phim. Năm nay hoạt hình Việt Nam dự kiến có tới 4 phim ấp ủ kế hoạch chiếu rạp là “Wolfoo và cuộc đua Tam Giới,” “Chiến binh gốm,” “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu”“Zombie mắt lác.”

Đây là thành quả nhiều năm nỗ lực của các studio nhỏ và vừa trong việc làm phim chiếu thương mại. Trước sự bùng nổ đó, ông Mickaël Marin - Giám đốc Liên hoan phim Annecy, liên hoan phim quốc tế về hoạt hình đầu tiên trên thế giới, đã có chuyến thăm các studio Việt.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus thực hiện cuộc phỏng vấn với ông để có những đánh giá về thị trường phim hoạt hình tại Việt Nam, cũng như những lời khuyên để nền hoạt hình trong nước có thể vươn ra thế giới bằng những sản phẩm gốc chất lượng.

Các studio hãy kiên nhẫn và liên kết với nhau

- Được biết trong thời gian qua, ông đã có thời gian tới thăm một số studio hoạt hình tại Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về chất lượng hoạt hình và theo ông, đâu là những yếu tố tạo nên tiềm năng phát triển?

Giám đốc Liên hoan phim Hoạt hình Annecy - ông Mickaël Marin

Ông Mickaël Marin: Sau khi đi thăm một số studio hoạt hình tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá cao chất lượng hình ảnh và kỹ thuật, cho thấy các bạn có nền gia công rất phát triển. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng đã được cũng chứng kiến sự chuyển mình trong xây dựng IP (tài sản trí tuệ, ý tưởng gốc - PV). Ví dụ như Sconnect Studio và DeeDee Animation Studio… tôi đều nghĩ họ rất có tiềm năng.

Những sản phẩm mới, lần đầu được đưa ra sẽ được coi là sản phẩm mẫu. Bộ phim sẽ nhận được phản hồi ở nhiều mức khác nhau từ khán giả, có thể được giới phê bình công nhận, nhưng chưa dành được thành công thương mại. Tôi khuyên các bạn hãy kiên nhẫn và sẵn sàng bước tiếp trên con đường dài này.

- Hiện nay tại Việt Nam đã hình thành khá nhiều IP trong lĩnh vực hoạt hình, một số có thể bắt đầu từ những chương truyện tranh ngắn được đăng tải miễn phí trên mạng xã hội. Nhưng để làm phim ra rạp thì sẽ gặp khó trong việc tìm nguồn đầu tư, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động doanh nghiệp. Theo ông giải pháp nên là gì?

Ông Mickaël Marin: Hoạt hình Việt Nam hiện nay khá tốt và tôi nghĩ sẽ trở nên tốt hơn, bởi các bạn có cơ sở đào tạo chất lượng và quyết tâm trong việc nâng cao tay nghề nhân lực. Các bạn có những studio mạnh về sản xuất, tôi nghĩ bước tiếp theo là tiếp tục phát triển ý tưởng gốc và tài sản trí tuệ trên truyền hình hoặc phim dài chiếu rạp.

Tôi cho rằng yếu tố cốt lõi để thành công là xây dựng một hệ sinh thái giúp các studio liên kết với nhau. Bản thân các nghệ sỹ cũng phải chủ động kết hợp, hợp tác với nhau để mang sản phẩm của mình ra thế giới. Vì vậy sự hình thành của VAVA (Hiệp hội Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình Việt Nam) gần đây là rất quan trọng, giúp kết nối các studio, đồng thời đại diện họ để kết nối với các nhà đầu tư, đại diện Việt Nam trên trường quốc tế.

"Tàn thể" - một phim ngắn đoạt nhiều giải thưởng quốc tế của DeeDee Animation Studio. (Ảnh: DeeDee)

Sự hỗ trợ của nhà nước cũng là điều không thể thiếu. Nước Pháp về mặt địa lý không quá lớn, dân số cũng không quá đông. Nhưng tại sao chúng tôi có vị thế quốc tế cao về các vấn đề văn hóa, điện ảnh, trong đó có hoạt hình? Đó là bởi chúng tôi có sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ một cách mạnh mẽ và liên tục.

Ngoài ra chúng tôi cũng có những đơn vị khác thuộc nhà nước giúp điều phối, phân phối các nguồn lực hỗ trợ đến các đơn vị nhỏ hơn, ví dụ CNC (Trung tâm Điện ảnh và Hình ảnh Chuyển động Quốc gia Pháp).

Sự hỗ trợ không chỉ nằm ở việc sản xuất, phát hành hay phát triển công nghệ kỹ xảo, mà còn nhận được sự hỗ trợ để đưa hình ảnh, kỹ năng của mình ra thế giới.

Đoàn kết để cùng nâng cao hình ảnh Việt Nam

- Khi ra rạp, một phim chưa có thành tích hoặc yếu tố bảo chứng nào sẽ khó có nhiều suất chiếu. Đặc biệt nếu có phim khác đang chiếm ưu thế tại phòng vé, số suất chiếu có thể chiếm hơn 50% toàn hệ thống các rạp cả nước. Làm sao để phim hoạt hình ra rạp không bị lép vế?

Ông Mickaël Marin: Các bạn phải làm việc với các doanh nghiệp phát hành, có rạp chiếu, để ưu tiên phát hành và hỗ trợ cho sự xuất hiện nhiều hơn của phim hoạt hình Việt Nam ngoài rạp. Việc này rất quan trọng để tạo nên cú huých trên thị trường cho cả một thể loại.

Các studio cũng cần vươn đến các liên hoan phim, cùng nhau đứng ra bảo vệ hình ảnh của nhau và đưa hình ảnh hoạt hình Việt Nam vượt trội lên so với đối thủ. Các bạn cũng cần vượt qua cạnh tranh nhỏ nhặt thường nhật, trân trọng sự thành công của các studio khác để đồng hành với nhau cho sự phát triển chung của hoạt hình và kỹ xảo Việt Nam.

Loạt phim và video hoạt hình hài "Thỏ bảy màu" - sản phẩm kết hợp giữa Sun Wolf Studio và họa sỹ, tác giả ý tưởng Huỳnh Thái Ngọc - sở hữu loạt clip đạt triệu views trên YouTube. (Ảnh chụp màn hình)

- Việc có phim chiếu rạp có quan trọng không, khi mà chúng ta có rất nhiều nền tảng khác nhau như trên trên laptop, điện thoại thông minh?

Ông Mickaël Marin: Tất nhiên khán giả có thể xem trực tuyến nhưng ở rạp chiếu, người làm phim mới có thể gặp được khán giả của mình. Còn nếu là khán giả, khi đến rạp, bạn mới được hòa chung trong không khí của những người khác. Màn ảnh rộng, hệ thống âm thanh đạt chuẩn, không khí hào hứng… sẽ mang đến trải nghiệm điện ảnh tốt nhất và sẽ khác hẳn so với việc bạn xem phim trên điện thoại hay laptop.

Các bạn đang có rất nhiều phim sản xuất để đưa được ra rạp, và tôi tin các tác phẩm sẽ có một lượng lớn khán giả tại đây. Chừng nào có thành công, nó sẽ là động lực để các bạn làm phim tiếp theo, thậm chí khiến rạp tổ chức một chương trình riêng cho hoạt hình.

- Xin chân thành cảm ơn ông!