Giải quyết những thách thức khi đẩy mạnh cải thiện hệ thống y tế cơ sở
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là sự lựa chọn thông minh giúp các hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Để thực hiện hiệu quả công tác y tế cơ sở, vừa qua Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25 nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị đã xác định những định hướng ưu tiên mới như về cam kết chính trị, chính sách và hành động liên ngành, bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động, chiến lược đầu tư, chiến lược phát triển nhân lực… dựa trên những chuyển đổi hết sức quan trọng.
Hiện công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là y tế tuyến cơ sở đang gặp phải những thách thức không nhỏ liên quan tới sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm…
Để giải quyết các khó khăn của y tế tuyến cơ sở, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc dự án Ban Quản lý dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn - cho rằng cần phải giải quyết thách thức đầu tiên về đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu dài hạn và giải pháp ngắn hạn.
Tiếp đó, theo bà Phan Lê Thu Hằng là yêu cầu đảm bảo sự cân bằng giữa nâng cao năng lực nội tại mạng lưới y tế cơ sở và điều chỉnh sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các thành tố khác của hệ thống y tế.
Đặc biệt, cần phải giải quyết thách thức về đảm bảo cân bằng về tài chính giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, khi phát triển y tế cơ sở cần tính toán sự tác động nhiều chiều của chính sách/can thiệp, do các thành tố của mạng lưới y tế cơ sở liên kết chặt chẽ và tác động tương hỗ với nhau.
Hệ thống y tế của Việt Nam gồm 4 tuyến: xã, huyện, tỉnh, trung ương. Tuyến đầu tiên, gần người dân nhất là trạm y tế tuyến xã, hiện có hơn 10.000 trạm y tế trên cả nước. Đây là tuyến y tế cơ sở thực hiện quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay trên bình diện toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là sự lựa chọn thông minh giúp các hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Do vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước và ngành y tế coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trên mặt bằng chung, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng nhận định rằng trong những năm qua, công tác y tế cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và được vận hành với hiệu quả ngày càng cao.
“Mặc dù rất tự hào về những kết quả đạt được, chúng ta vẫn cần thẳng thắn thừa nhận mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều hạn chế như mô hình tổ chức chưa ổn định; năng lực cung ứng dịch vụ y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp của dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng dịch vụ còn thấp; nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa đảm bảo; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng…,” Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng phân tích.
Việc trung tâm y tế huyện cung ứng cả dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh cơ bản, tạo ra những bất lợi cho việc đảm bảo cân đối giữa 2 cấp độ chăm sóc. Đó là việc tập trung nhân lực chất lượng cao cho khám chữa bệnh, tuyến huyện thu hút bệnh nhân của trạm y tế xã… Đặc biệt là việc trạm y tế xã lệ thuộc nặng nề vào Trung tâm y tế huyện, làm giảm tính tự chủ và linh hoạt của trạm y tế xã cũng như liên kết ngang hiệu quả giữa các trạm y tế xã.
Do đó, theo bà Hằng, để mạng lưới y tế cơ sở làm tốt chức năng “người gác cổng” của hệ thống y tế cần đảm bảo đồng thời cả 2 yếu tố: nâng cao năng lực toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở thông qua việc nâng cấp và đổi mới toàn bộ các cầu phần nội tại của mạng lưới y tế cơ sở (hạ tầng kỹ thuật, cung ứng dịch vụ, nhân lực, tài chính, hệ thống thông tin và quản trị) và cải thiện sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên./.