Giải quyết mất cân đối cung-cầu thị trường bất động sản và nhà ở xã hội
Đại biểu cho rằng tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.
Ngày 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Theo đó, đến cuối giai đoạn giám sát, có 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 11.191ha; 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700ha.
Về nhà ở xã hội, có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.
Mâu thuẫn cung-cầu
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã tạo ra một khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước vào quá trình xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển nhà ở xã hội cũng đã đáp ứng được một phần nhu cầu chỗ ở cho người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, các đối tượng chính sách, các hộ nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung-cầu...
Cử tri Nguyễn Thị Năm (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn giày Sun Jade Việt Nam-Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa) cho biết gia đình chị có 4 người, đang phải ở nhà thuê gần khu công nghiệp. Việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm từ ngày 1/8/2024 tạo áp lực cho người mua nhà ở xã hội, vì với quy định mới này, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ bị áp lực do số tiền trả lãi vay hằng tháng tăng lên ngoài dự kiến.
Ngoài ra, theo quy định mới này, người dân có thu nhập thấp như gia đình chị sẽ không còn được hưởng ưu đãi về lãi suất khi mua nhà ở xã hội như trước đây.
Cử tri đề nghị Nhà nước cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp cũng như đa dạng các sản phẩm nhà ở xã hội và hình thức thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý...
Quan tâm đến giải pháp thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ đã đề ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xem xét điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay đối với “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” tại Ngân hàng Chính sách xã hội về mức lãi suất 3% hoặc 4,8%/năm (hiện nay là 6,6%/năm), để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3,6% hoặc 5,76%/năm (hiện là 7,92%/năm).
Người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3% hoặc 4,8%/năm (hiện là 6,6%/năm) cho phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, có trường hợp người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này. Do đó, ông đề nghị bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan.
Đề cập đến những bất cập cần giải quyết, Tiến sỹ Bùi Đức Hưng, giảng viên Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, nhiều dự án chậm tiến độ triển khai, trong khi nguồn lực doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn, gây lãng phí về đất đai, nguồn vốn và làm tăng giá bán.
Cụ thể, tại Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc, đã xử lý 158, tiếp tục xử lý 246 dự án. Khoảng 3 năm gần đây, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội rất chậm, không có dự án mới được phê duyệt đầu tư.
Hà Nội mới đạt 9% chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Theo Tiến sỹ, nguyên nhân là mâu thuẫn cung-cầu giữa các phân khúc nhà ở. Phân khúc nhà thương mại dư hàng nhưng ít người đủ tiền mua thật. Phân khúc nhà ở xã hội thiếu nhưng giá vẫn cao, rất ít người có đủ tiền để mua. Doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận, không mặn mà đầu tư loại hình này, do cần có vốn lớn, thời gian thu hồi lâu.
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.
“Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư, cả chung cư mới và cũ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây,” đại biểu nêu.
Bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Một số nhà đầu tư thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.
Cùng với đó, do tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá, và thực tiễn này có xu hướng ngày càng tăng cao. Thực tế đang thiếu trầm trọng nguồn cung cho người thu nhập thấp…
Rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đánh giá hiện có tình trạng thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp.
“Thực tế hiện nay các chung cư mini nhà trọ có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 10m2 cho một hộ gia đình. Như vậy sẽ rất khó khăn và vất vả cho những đối tượng người có thu nhập thấp, như công nhân,” đại biểu nói.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; cũng như thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Tại Hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu đồng tình với các ý kiến đã nêu về những tồn tại trong quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, có tình trạng mất cân đối cung cầu.
Số lượng nhà ở xã hội còn thấp, có nơi đã xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng, nhiều nhà ở tái định cư đang để lãng phí, nhà ở thương mại đang được tập trung đầu tư nhiều hơn.
Phó Thủ tướng nêu rõ theo Hiến pháp, không chỉ có đối tượng chính sách, mà toàn bộ người dân có quyền sử dụng nhà ở; công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… đều cần được thụ hưởng chính sách, nên 1 triệu căn nhà ở xã hội vẫn là một phần nhỏ bé.
Việc hoàn thiện các khâu điều tra, đánh giá nhu cầu đối với nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng thụ hưởng để mọi người dân đều tiếp cận được nhà ở xã hội là việc cần thiết.
Cùng với đó, cần triển khai cụ thể ở từng địa phương công tác liên quan đến chiến lược, quy hoạch nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, nhà ở thương mại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ mở rộng, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư để chuyển sang nhà ở xã hội, đẩy mạnh cải cách, rút gọn, tinh giản quy trình thủ tục hành chính, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội, sử dụng phối hợp nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở xã hội ở mức hợp lý để đảm bảo nâng cao hiệu quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới…/.