Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của Trung Quốc
Khi nhu cầu trong nước và nước ngoài yếu, Trung Quốc tiếp tục có các giải pháp về tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như gia hạn và mở rộng miễn giảm thuế.
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi yếu sau đại dịch, Trung Quốc đã thực hiện các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như hỗ trợ các công ty nước ngoài nhằm thu hút đầu tư.
Thuế cũng là một trong những lựa chọn để vực dậy lĩnh vực bất động sản đang lao đao vài năm qua.
Tiếp sức cho nền kinh tế
Khi nhu cầu cả trong nước và nước ngoài yếu, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc mất động lực kể từ tháng Tư vừa qua. Một số doanh nghiệp nhỏ đối mặt với lượng đơn hàng ít hơn, các khó khăn về tài chính và lợi nhuận giảm sút.
Trước tình hình đó, Trung Quốc đã tiếp tục có các giải pháp về tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những chính sách như gia hạn và mở rộng miễn giảm thuế được áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.
Bộ Tài chính Trung Quốc trong tháng Tám vừa qua đã công bố gói các biện pháp hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ. Theo thông báo của Bộ Tài chính, đối với người nộp thuế có doanh thu hàng tháng không quá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD) sẽ tiếp tục được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn hưởng thuế suất VAT ưu đãi 1%, giảm từ 3%. Nhiều loại phí bảo lãnh liên ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay miễn thuế trước bạ vẫn giữ nguyên cho đến cuối năm 2027.
Nguồn thu từ lãi của các tổ chức tài chính đối với các khoản tín dụng cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể cũng được miễn thuế VAT cho đến năm 2027. Các khoản vay nhỏ là những khoản vay được cấp cho các doanh nghiệp có hạn mức tín dụng dưới 10 triệu nhân dân tệ.
Không chỉ hỗ trợ để các doanh nghiệp ít bị tổn thương nhất trong thời kỳ khó khăn, các chính sách miễn giảm thuế của Trung Quốc còn tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn chiến lược như công nghệ để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao tính tự chủ của công nghệ đất nước trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.
[Kinh tế Trung Quốc suy giảm, "gióng hồi chuông cảnh báo" toàn cầu]
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo gia hạn các điều khoản ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ dưới 300 nhân viên, với tổng giá trị tài sản và doanh thu hàng năm đều không quá 50 triệu nhân dân tệ, cho đến cuối năm 2027. Động thái này nhằm khuyến khích hơn nữa tinh thần kinh doanh và đổi mới.
Những nhà đầu tư hoặc công ty đầu tư nhận cổ phần trong công ty khởi nghiệp công nghệ ở giai đoạn hạt giống hoặc giai đoạn đầu mà tiếp tục đầu tư từ 2 năm trở lên, có thể khấu trừ 70% số tiền đầu tư từ thu nhập chịu thuế.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Nhằm hỗ trợ các công ty nước ngoài đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài thời hậu COVID-19, Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 29/8 vừa qua cho biết sẽ gia hạn chính sách ưu đãi thuế cho các công dân nước ngoài làm việc tại nước này đến hết năm 2027.
Trước đó, theo kế hoạch, Chính phủ Trung Quốc sẽ bỏ các khoản phụ cấp không chịu thuế của lao động nước ngoài trong năm ngoái, nhưng đã quyết định sẽ kéo dài chương trình này trên cơ sở xem xét gia hạn đến cuối năm nay.
Giám đốc cấp cao của Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc-Anh Kiran Patel đã hoan nghênh quyết định trên của Trung Quốc, gọi đây là một cam kết thực sự của Chính phủ Trung Quốc đối với các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại đây.
Ông Patel nói các chính sách ưu đãi của Trung Quốc sẽ giúp hạn chế tình trạng nhân tài quốc tế có trình độ cao rời đi; đồng thời giúp các công ty đa quốc gia có sự rõ ràng về chiến lược nhân tài của họ, liên quan đến việc triển khai nhân viên nước ngoài và kế hoạch tuyển dụng.
Hiện các phòng thương mại và tổ chức kinh doanh nước ngoài tại Trung Quốc đang kỳ vọng nước này sẽ mở rộng hơn nữa các ưu đãi dành cho họ, bao gồm cả việc cho phép người nước ngoài được hưởng các khoản khấu trừ thuế, liên quan tới tiền thuê nhà, chi phí giáo dục cho trẻ em, đào tạo ngôn ngữ và một số chi phí khác.
Trước đó, ngày 13/8 vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã ban hành các hướng dẫn nhằm tối ưu hóa môi trường đầu tư nước ngoài và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Tài liệu gồm 24 hướng dẫn bao gồm việc tăng hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như tạm thời miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư nước ngoài tái đầu tư lợi nhuận vào Trung Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực thu hút vốn nước ngoài khi quá trình phục hồi kinh tế của nước này hậu đại dịch COVID-19 chậm lại, do nhu cầu xuất khẩu yếu từ các đối tác thương mại quan trọng và tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trên thị trường bất động sản.
"Giải cứu" bất động sản
Bộ Tài chính và hai cơ quan chính phủ đã công bố các khoản ưu đãi thuế cho người dân mua nhà ở sẽ được kéo dài đến cuối năm 2025. Từ 1/1/2024 đến 31/12/2025, những người mua nhà mới trong vòng một năm kể từ khi họ bán nhà cũ sẽ được hoàn thuế thu nhập cá nhân cho khoản thuế đã nộp khi bán nhà.
Khoản thuế trên sẽ được hoàn lại toàn bộ nếu giá nhà mới mua cao hơn hoặc bằng giá nhà cũ. Nếu không, việc giảm thuế sẽ dựa trên tỷ lệ chênh lệch giá của hai căn nhà. Ngoài ra, hai ngôi nhà phải ở cùng một thành phố và người bán nhà phải là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu căn nhà mới mua. Các biện pháp ưu đãi thuế này được thực hiện từ năm 2022 và theo kế hoạch ban đầu sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết chính sách ưu đãi thuế đối với nhà cho thuê công cộng cũng sẽ được gia hạn đến cuối năm 2025.
Theo các chuyên gia, những điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, phí nói trên liên quan đến thị trường vốn và lĩnh vực nhà ở sẽ tạo điều kiện cho người dân cải thiện điều kiện ăn ở và góp phần thúc đẩy niềm tin vào thị trường.
Phát biểu tại hội thảo với các công ty bất động sản gần đây, Bộ trưởng Nhà ở và Kiến thiết Thành thị, Nông thôn Trung Quốc Nghê Hồng khẳng định việc ổn định lĩnh vực xây dựng và bất động sản sẽ hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Evergrande Evergrande đã trở thành ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản của nước này, vốn chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, sau khi đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản vào giữa năm 2021.
Nhờ nỗ lực tái cơ cấu và sự hỗ trợ chính sách Tập đoàn đã nộp đơn xin tiếp tục giao dịch cổ phiếu trên sàn Hong Kong của Trung Quốc từ ngày 28/8 vừa qua, sau khi tạm dừng giao dịch từ ngày 21/3/2022.
Trong khi đó, Country Garden, một trong những công ty xây dựng nhà lớn nhất thế giới, có thời hạn để thực hiện các khoản thanh toán lãi suất trái phiếu cho đến đầu tháng Chín này, hoặc chịu cảnh vỡ nợ và tái cơ cấu như hàng trăm nhà phát triển khác tại Trung Quốc./.