Giải pháp bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử quốc tế

Việc bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử không chỉ để bảo vệ quyền lợi, hình ảnh doanh nghiệp mà còn là cách thức hiệu quả để mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu

Xuất khẩu qua thương mại điện tử tạo nhiều đột phá về doanh thu và thị trường cho doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương), trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tìm đến các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon, eBay, Alibaba… để mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, việc bảo vệ nhãn hiệu trong không gian mạng, đặc biệt khi xuất khẩu trực tuyến, vẫn là một thách thức lớn. Bảo vệ thương hiệu không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là một yếu tố then chốt để duy trì sự cạnh tranh và đảm bảo sự tin cậy đối với người tiêu dùng toàn cầu. Mọi sơ suất trong việc bảo vệ thương hiệu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ mất khách hàng cho đến ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh doanh nghiệp.

Số lượng đăng ký thương hiệu tăng vọt

Điểm lại các vụ việc thời gian qua, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số thông tin, do chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ nên nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, hoặc khi tiến ra thị trường nước ngoài thì đã bị các đối thủ cạnh tranh đăng ký mất.

Đơn cử như: thuốc lá Vinataba, cafe Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Hương,… đã bị đăng ký trước ở Mỹ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian thuê luật sư khởi kiện đòi lại thương hiệu. Thậm chí, có trường hợp phải mua lại nhãn hiệu của chính mình với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ.

Vì vậy, từ kinh nghiệm từ thực tế, đặc biệt khi thương mại điện tử phát triển, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và chú trọng hơn đến công tác bảo vệ và xây dựng thương hiệu.

Theo Amazon Global Selling Việt Nam, nhận thức của các đối tác bán hàng Việt Nam về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện đang từng bước được cải thiện. Trong ba năm qua, số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon (Brand Registry) đã tăng gấp 7 lần và thời gian để đối tác bán hàng Việt Nam chuyển từ giai đoạn đăng ký tài khoản bán hàng đến đăng ký thương hiệu đã rút ngắn trung bình 85%.

Việc bảo vệ thương hiệu góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi kinh doanh trên Amazon đã chú ý đến việc đăng ký thương hiệu luôn tại Mỹ. Ví dụ như, kể từ tháng 6/2020, Longevity Sea Grapes, thương hiệu rong nho của Việt Nam, đã đăng ký nhãn hiệu thành công tại Mỹ nhằm bảo vệ và củng cố uy tín của mình.

Hay mới đây, thương hiệu trái cây sấy Nam Huy tại Đồng Tháp, đã đăng ký thành công nhãn hiệu Nam Huy tại Mỹ, thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử - Go Export do Trung tâm Tin học và Công nghệ Số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số) triển khai cùng với các đối tác, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến.

Nắm bắt cơ hội để nâng sức cạnh tranh

Hiện nay, khi doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế và muốn bảo vệ thương hiệu, việc hiểu rõ các quy định và thủ tục đăng ký bảo vệ thương hiệu tại từng quốc gia và trên từng sàn giao dịch là hết sức quan trọng.

Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cho hay đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn triển khai xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng Amazon, doanh nghiệp nên sớm có kế hoạch đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Tại Hoa Kỳ, thương hiệu được bảo hộ thông qua Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thường sẽ kéo dài 1 năm hoặc hơn tuỳ trường hợp, bao gồm việc nộp đơn, nộp phí, trải qua quá trình xem xét, trong đó USPTO sẽ kiểm tra thương hiệu có trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với thương hiệu đã đăng ký trước đó hay không.

“Thường sẽ có nhiều thủ tục pháp lý liên quan, do vậy doanh nghiệp nên tìm một công ty luật uy tín tại Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ. Hiện chương trình Go Export do Trung tâm Tin học và Công nghệ Số triển khai, cũng đang hợp tác với các chuyên gia pháp lý và công ty luật đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng ký thương hiệu và xử lý tranh chấp tại thị trường quốc tế,” đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số thông tin.

Bên cạnh đó, nhằm giúp chủ doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm và thương hiệu, từ 2017, Amazon đã xây dựng chương trình Amazon Brand Registry. Để tham gia Amazon Brand Registry, doanh nghiệp cần phải sở hữu một nhãn hiệu đã được đăng ký và đang hoạt động tại quốc gia mà doanh nghiệp muốn đăng ký. Amazon cũng chấp nhận những doanh nghiệp có đơn đăng ký nhãn hiệu đang chờ xử lý tại một số cơ quan nhãn hiệu, ví dụ như UPSTO…

Thương hiệu trái cây sấy Nam Huy tham gia chương trình Amazon Brand Registry và được Amazon bảo vệ nhãn hiệu “Nam Huy” khi bán hàng trên Amazon. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện tại, Amazon chỉ chấp nhận nhãn hiệu được cấp bởi các cơ quan nhãn hiệu tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Brazil, Canada, Mexico, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Đức… Do đó, thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đăng ký luôn nhãn hiệu tại Mỹ.

Doanh nghiệp có ý định kinh doanh một cách bài bản và chuyên nghiệp trên Amazon nên tìm hiểu và đăng ký tham gia chương trình Amazon Brand Registry, do những lợi thế vượt trội mà chương trình đem lại.

“Việc bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu trực tuyến qua các nền tảng thương mại điện tử không chỉ là một bước đi chiến lược để bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cách thức hiệu quả để mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để không chỉ bảo vệ sản phẩm của mình mà còn nâng cao sức cạnh tranh và tạo dựng uy tín tại các thị trường lớn,” đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số lưu ý thêm./.