'Giải mã' tình hình kinh tế thế giới qua dự báo tăng trưởng mới nhất của IMF

Theo IFM, năm 2024, nền kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng giống như năm 2023, chứng tỏ thế giới đã có một "khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên," bất chấp vô số cú sốc làm rung chuyển hành tinh.

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong dự báo mới nhất được công bố ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 3,2% vào năm 2024, tăng nhẹ so với ước tính trước đó vào tháng 1/2024 (+ 0,1 điểm phần trăm) và tháng 10/2023 (+ 0,3 điểm phần trăm).

Giải mã về dự báo này của IMF, nhật báo Le Monde của Pháp cho rằng đó là một sự tăng trưởng khiêm tốn nhưng vững chắc.

Năm 2024, nền kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng giống như năm 2023, chứng tỏ thế giới đã có một "khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên," theo nhận định của IMF, bất chấp vô số cú sốc làm rung chuyển hành tinh, chẳng hạn như xung đột Nga-Ukraine, các cuộc xung đột địa chính trị gia tăng ở nhiều nơi và lãi suất tăng đang đè nặng lên hoạt động kinh tế thế giới.

Mới đây nhất, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran nhằm vào Israel để trả đũa, vào đêm 13/4 rạng sáng 14/4, càng làm cho sự bất ổn gia tăng.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cảnh báo hôm 16/4 rằng cuộc khủng hoảng ở Trung Đông sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn giá năng lượng, và có thể làm chậm đà giảm của lạm phát. Rất may là sau khi giảm nhẹ vào ngày 15/4, giá dầu vẫn ổn định vào giữa trưa ngày 16/4, giá một thùng dầu Brent Biển Bắc, giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng 90 USD.

Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

IMF đã từng khuyến cáo quốc gia tự lo cho mình nguồn ngân sách dự phòng để đối phó tốt hơn với sự gia tăng của các cuộc khủng hoảng, dù là về sức khỏe, liên quan đến sự nóng lên toàn cầu hay địa chính trị. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách các nước vẫn tăng vọt, lần đầu tiên là vào năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, sau đó là vào năm 2023, để chống lạm phát.

Ngay trong lời nói đầu của Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, ông Pierre-Olivier Gourinchas đã nhấn mạnh: “Trong một thế giới nơi những cú sốc liên quan đến nguồn cung ngày càng thường xuyên hơn và nhu cầu tài chính ngày càng tăng để đảm bảo mạng lưới an toàn, ứng phó với những thách thức về biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số, an ninh và quốc phòng năng lượng, việc củng cố ngân sách cần được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia."

Những khoản thâm hụt đang góp phần làm tăng gánh nặng nợ công của các nước, gây tốn kém cho các quốc gia, đặc biệt là việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo IMF, chính sách tái cân bằng ngân sách hiện đã có thể thực hiện được, khi cuộc chiến chống giá cả leo thang sắp giành thắng lợi, ít nhất là ở các nền kinh tế phát triển. Lạm phát ở các nước này đã giảm xuống 2,3% trong quý cuối cùng của năm 2023, mức trước cuộc khủng hoảng sức khỏe, sau khi đạt mức đỉnh 9,5% một năm trước đó.

Điều này xảy ra trong khi “nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn, ngăn chặn những cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ và suy thoái kinh tế toàn cầu," IMF lưu ý.

Bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt, hoạt động vẫn được duy trì nhờ các hộ gia đình tiêu dùng bằng cách rút tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch, đồng thời cũng nhờ chi tiêu ngân sách cao của các nước, đặc biệt là ở Mỹ.

IMF hiện dự đoán các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm lãi suất cơ bản từ nửa cuối năm 2024 và trong quý 4 đối với Mỹ.

Trong bối cảnh này, IMF dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ tăng lên 2,4% vào năm 2024 và giảm xuống 1,9% vào năm 2025, do cắt giảm chi tiêu ngân sách. Tại Khu vực đồng euro, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ tăng từ 0,4% vào năm 2023 lên 0,8% vào năm 2024, sau đó lên 1,5% vào năm 2025, nếu giá năng lượng giảm, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục trở lại nhờ kinh tế ổn định, lạm phát suy giảm.

Do bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, hoạt động dự báo rất không chắc chắn nên IMF xác định những rủi ro có thể làm chệch hướng các kịch bản mà tổ chức này đưa ra, bắt đầu từ tình hình địa chính trị không ổn định.

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu ở Biển Đỏ tiếp tục làm chệch hướng một số tuyến giao thông hàng hải nối châu Á và châu Âu tới mũi Hảo Vọng, ở cực Nam châu Phi. Một vụ xung đột bùng phát ở Trung Đông có thể khiến giá một thùng dầu tăng vọt và làm phức tạp thêm các nỗ lực chống lạm phát.

Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thêm vào đó là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ yếu hơn dự kiến nếu cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp diễn ở nước này. Hôm 16/4, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP tốt hơn dự kiến là 5,3% trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng số liệu về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp lại không được như mong muốn.

IMF cảnh báo: “Với nhu cầu nội địa ảm đạm, thì thặng dư sản xuất bán ra nước ngoài phải được đẩy lên, và điều này có nguy cơ sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại quốc tế trong bối cảnh địa chính trị vốn đã rất căng. Do đó IMF dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 5,3% năm 2023 xuống còn 4,6% vào năm 2024 và 4,1% vào năm 2025.

Ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu đạt 3,2% vào năm 2024 và 2025, thì cũng cần phải thận trọng với các mức bình quân. Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, đã chỉ ra rằng một cơ thể có nhiệt độ trung bình là 37 độ C nhưng với cái đầu nóng và đôi chân lạnh thì không phải là một cơ thể có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, đây chính xác là những gì nền kinh tế hành tinh đang trải qua.

Các nước có thu nhập thấp đang gặp phải tình trạng ngược lại với các nước giàu, với dự báo tăng trưởng được điều chỉnh giảm và lạm phát trung bình “cao hơn dự kiến." Lạm phát này được thúc đẩy bởi sự tăng giá của thực phẩm, phân bón hoặc năng lượng và trong một số trường hợp đã trở nên trầm trọng hơn do sự mất giá của đồng nội tệ.

IMF lo lắng: “Các nước nghèo nhất vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch và chi phí sinh hoạt gia tăng gây ra."

Những người làm mọi cách để tránh vỡ nợ vẫn là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng nợ thầm lặng. Các nước nghèo dành trung bình 14,3% doanh thu ngân sách của họ cho việc này, gấp đôi số tiền cách đây 15 năm, buộc họ phải hy sinh chi tiêu hoặc đầu tư xã hội của mình.

Ông Gourinchas kết luận: “Khoảng cách ngày càng tăng giữa nhiều nước đang phát triển có thu nhập thấp và các nước đang phát triển khác là đáng lo ngại”./.