Giải mã đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại chung kết AFF Cup 2022
Với các cầu thủ chất lượng, giàu kinh nghiệm cùng lối chơi đa dạng, khả năng kiểm soát nhịp độ trận đấu tốt, đội tuyển Thái Lan là đối thủ đáng gờm của đội tuyển Việt Nam tại Chung kết AFF Cup 2022.
Không có những cái tên ấn tượng như Chanathip, Supachok, Suphanat… nhưng đội tuyển Thái Lan vẫn phô diễn sức mạnh đáng gờm của họ khi đánh bại Malaysia 3-0 ở Bán kết lượt về AFF Cup, qua đó giành quyền vào chung kết với chiến thắng 3-1 chung cuộc sau 2 lượt trận.
Có ít hơn Việt Nam 1 ngày nghỉ phục hồi và chuẩn bị cho trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 vào tối 13/1 tới tại Mỹ Đình, nhưng đội tuyển Thái Lan vẫn thực sự đáng gờm.
Điểm mạnh nổi bật của "Đàn voi chiến" chính là lối chơi đa dạng. Các cầu thủ của huấn luyện viên Mano Polking có thể chơi bóng ngắn hay bóng dài, có thể chơi bóng bổng hay bóng sệt, có thể đánh biên tốt và cũng có thể tấn công trung lộ nguy hiểm.
Lối chơi đa dạng của "Voi chiến" khiến đối thủ của họ không dễ phòng bị. Thái Lan không quá thiên về một kiểu chơi nào mà họ triển khai chiến thuật một cách ứng biến.
Cầu thủ Thái Lan di chuyển linh hoạt và có khả năng thay đổi nhịp độ thi đấu rất tốt. Khi cần làm chậm nhịp độ, giảm hưng phấn của đối thủ, họ sẽ đá chậm, ban bật nhiều, cầm bóng chắc.
Khi đối thủ triển khai tấn công, họ sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật để phá lối chơi của đối thủ. Khi cần đẩy cao nhịp độ họ cũng có thể làm tốt.
Đội tuyển Thái Lan có thể dồn dập gây sức ép bên phần sân đối phương dựa trên khả năng luân chuyển bóng nhanh.
Huấn luyện viên Mano Polking có trong tay một dàn cầu thủ giàu kinh nghiệm trận mạc với những cái tên như Adisak Kraisorn (31 tuổi), Teerasil Dangda (34 tuổi), Theerathon Bunmathan (32 tuổi), Sarach Yooyen (30 tuổi), Pansa Henviboon (32 tuổi)…
Điểm khó lường của đội tuyển Thái Lan là khả năng tăng tốc đột ngột của họ. Các cầu thủ Thái Lan có thể đá chậm hoặc chơi với nhịp độ trung bình như để "ru ngủ" đối phương rồi đột ngột đẩy cao tốc độ trận đấu. Chính sự thay đổi nhịp độ thi đấu bất ngờ này của họ khiến đối thủ không dễ đối phó.
Trong số các quân bài quan trọng của ông Mano Polking có trung phong kỳ cựu Teerasil Dangda và hậu vệ trái Theerathon Bunmathan. Cả hai đều giàu kinh nghiệm, có đẳng cấp cao và ảnh hưởng nhiều lên lối chơi của Thái Lan.
Bunmathan có khả năng công thủ toàn diện, cầm bóng tốt, đi bóng tốt, chuyền và sút bóng đều rất tốt. Những pha dâng cao tấn công của hậu vệ 32 tuổi này là miếng đánh quan trọng trong cách chơi của "Đàn voi chiến."
[Lịch sử đối đầu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan]
Bunmathan có thể leo biên rồi thực hiện một đường chuyền chuẩn mực vào cấm địa đối phương cho Dangda hay các mũi tấn công khác của Thái Lan chớp cơ hội ghi bàn.
Bunmathan cũng có thể cắt từ cánh vào trong rồi dứt điểm hoặc đột phá hoặc phối hợp với đồng đội.
Đây cũng là hậu vệ đá thực dụng và không ngại dùng tiểu xảo để ngăn cản đối thủ. Bunmathan từng chơi tiểu xảo với Quang Hải ở AFF Cup 2020.
Trong khi đó, Dangda rất giỏi chọn vị trí và dứt điểm. Trung phong kỳ cựu này có thể đánh đầu và sút bóng đều rất tốt, xử lý bóng gọn, ít chạm.
Không ngẫu nhiên khi Dangda là chân sút số 1 của tuyển Thái Lan nhiều năm nay và vẫn là trung phong số 1 của Thái Lan ở giải này dù anh đã 34 tuổi.
Cả Bunmathan và Dangda đều không xa lạ với các hậu vệ của đội tuyển Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo không cần cẩn trọng và sẵn sàng với các phương án bọc lót phòng ngự cũng như đeo bám, kiểm soát họ.
Tất nhiên, Thái Lan không chỉ có Dangda và Bunmathan. Họ còn có Ekanit Panya, có Adisak Kraisorn… nhưng Dangda và Bunmathan vẫn luôn là những cầu thủ mà "Những chiến binh Sao Vàng" phải đặc biệt đề phòng./.