Giải báo chí Covering Climate Now đề cao chuyện chân thực về khí hậu

Các tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao vì đã thể hiện tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, đưa ra "giải pháp phong phú" và truyền cảm hứng cho người dân và nhà hoạch định chính sách.

Băng lở từ sông băng Apusiajik ở gần Kulusuk, Greenland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Băng tan ngày càng tăng ở Greenland, tác động của các đợt nắng nóng liên tiếp ở California (Mỹ) và tương lai bấp bênh của các thành phố ven biển là những chủ đề bao trùm lễ trao Giải báo chí Covering Climate Now thường niên được tổ chức vào ngày 15/6.

Các tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao vì đã thể hiện được tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, đưa ra các "giải pháp phong phú" và truyền cảm hứng cho người dân và các nhà hoạch định chính sách hành động.

Trong số các tác phẩm được vinh danh có bộ phim tài liệu của HBO Max về cuộc sống của hai chị em gái, khi nông trại được truyền lại qua nhiều thế hệ gia đình của hai em ở bang Iowa bị hạn hán và lũ lụt tàn phá nặng nề.

[Tổng thống Joe Biden hối thúc các nước châu Mỹ chống biến đổi khí hậu]

Các giám khảo cho rằng bộ phim đã thành công khi truyền tải được thông điệp một câu chuyện nhỏ có thể trở thành một vấn đề lớn và quan trọng. Nội dung phim tập trung vào cuộc sống hạnh phúc của hai chị em và cha mẹ khi làm công việc đồng áng, nhưng cả gia đình nhanh chóng nhận ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến cuộc sống của họ đối mặt với nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, Justin Worland của tạp chí Time được bình chọn là nhà báo của năm, trong khi hãng tin AFP giành được giải thưởng cho dự án video quy mô toàn cầu về cách nước biển dâng sẽ lập lại bản đồ, phá hủy một số thành phố lớn và ảnh hưởng đến những người nghèo nhất thế giới.

Giám đốc điều hành của Covering Climate Now, Mark Hertsgaard nhận định việc đưa tin hiệu quả là một giải pháp khí hậu quan trọng, là chất xúc tác tạo ra tiến bộ trong mọi vấn đề - từ chính trị đến kinh doanh, thay đổi lối sống đến thay đổi trong hệ thống.

Năm nay, ban giám khảo đã chọn ra 23 phóng viên và hãng truyền thông đoạt giải trong tổng số 900 tác phẩm dự thi từ 65 quốc gia.

Danh sách thắng giải còn bao gồm tác phẩm của Al Jazeera về Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tại Senegal bị hủy hại nghiêm trọng do mực nước biển dâng, PBS đưa tin về Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) ở Scotland và một loạt chương trình podcast của The Guardian về các quốc đảo Thái Bình Dương.

Covering Climate Now là một dự án truyền thông toàn cầu của Mỹ chuyên cung cấp thông tin về hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đây là năm thứ hai lễ trao giải được tổ chức./.

Trần Quang (TTXVN/Vietnam+)