Giá xăng tại Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục kể tử năm 1990
Theo Trung tâm Thông tin Dầu mỏ, giá bán lẻ trung bình loại xăng thường tại Nhật Bản vào thời điểm ngày 28/8 đã tăng 1,9 yen so với cùng kỳ tuần trước đó lên mức cao kỷ lục 185,6 yen mỗi lít.
Theo báo Sankei, giá bán lẻ xăng thường trung bình vào ngày 28/8 tại Nhật Bản đạt 185,6 yen (khoảng 1,27 USD) mỗi lít, mức cao nhất kể từ khi tiến hành khảo sát này từ năm 1990.
Trước diễn biến này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã làm rõ chủ trương chính phủ sẽ tăng khoản hỗ trợ để kiểm soát giá xăng bán lẻ xuống mức 175 yen/lít. Hiện tại, chính sách hỗ trợ này dự kiến sẽ bị thu hẹp vào cuối tháng Chín tới.
Theo Trung tâm Thông tin Dầu mỏ, cơ quan được ủy quyền tiến hành khảo sát về giá xăng, giá bán lẻ trung bình loại xăng thường tại Nhật Bản vào thời điểm ngày 28/8 đã tăng 1,9 yen so với cùng kỳ tuần trước đó lên mức cao kỷ lục nêu trên.
Mức tăng này cũng đánh dấu chuỗi tăng 15 tuần liên tiếp của giá xăng tại Nhật Bản.
Trước đó, giá xăng bán lẻ trung bình tại Nhật Bản từng ghi nhận kỷ lục 185,1 yen/lít vào thời điểm tháng 8/2008.
Việc giá bán lẻ xăng thường tại Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục được cho là xuất phát từ ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất đó là việc thu hẹp khoản tiền hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhằm kiểm soát đà tăng của giá nhiên liệu quốc tế.
Khoản tiền hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản được dựa trên xu hướng biến động của giá dầu mỏ. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ nhận được khoản này trong trường hợp giá nhiên liệu cao hơn mức tiêu chuẩn.
Hồi năm 2022, mức hỗ trợ đã tăng theo từng giai đoạn. Trong đó từ tháng 1-3, chính phủ đã hỗ trợ mức 5 yen/lít, từ tháng 3-4, mức hỗ trợ là 25 yen/lít và từ tháng 4-12/2023 là 35 yen/lít.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá "vàng đen" đã chững lại trong năm 2023. Từ tháng Một, mức hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã giảm dần khoảng 2 yen cho mỗi chu kỳ.
Sang đến tháng 5/2023, mức hỗ trợ giảm xuống còn 25 yen/lít. Tỷ lệ hỗ trợ giảm 10% mỗi tuần kể từ tháng Sáu khi giá nhiên liệu tăng không quá 25 yen so với mức tiêu chuẩn.
Lý do thứ hai nằm ở xu hướng giá dầu mỏ tăng trở lại. Giá dầu mỏ đã tăng kỷ lục do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 rồi chững lại kể từ tháng Sáu năm ngoái.
Bước vào năm 2023, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn có lúc giảm xuống mức 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất dầu mỏ là Saudi Arabia đã quyết định cắt giảm sản lượng từ tháng Bảy năm nay, khiến giá dầu mỏ tăng lên khoảng 80 USD/thùng trong tháng 8/2023.
[Giá xăng tại Nhật Bản tăng lên mốc cao nhất trong 15 năm]
Lý do thứ ba là xu hướng đồng yen yếu đi. Để kiểm soát đà tăng giá xăng, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu chính sách hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp đầu mối kể từ tháng Một năm ngoái.
Thời điểm đó, tỷ giá đồng yen ở mức 114 yen đổi 1 USD. Đến hiện tại, tỷ giá đã giảm xuống mức 146 yen đổi 1 USD, khiến kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ tăng lên và kéo theo giá xăng bán lẻ trong nước.
Về việc cắt giảm chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu mối vào cuối tháng 9/2023, phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Kishida đã làm rõ chủ trương của chính phủ là sẽ mở rộng khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.
Mục tiêu là nhằm kiểm soát giá xăng thường bán lẻ trên toàn quốc ở mức 175 yen/lít.
Biện pháp hỗ trợ mới sẽ bắt đầu kể từ ngày 7/9 và được tiến hành theo từng giai đoạn để tránh động thái hạn chế nguồn cung khiến thị trường bị rối loạn.
Chính sách mới được kỳ vọng sẽ đưa giá xăng bán lẻ trung bình toàn quốc đạt 175 yen/lít vào tháng 10/2023.
Ngoài dầu hỏa không thể thiếu cho thiết bị sưởi ấm trong mùa Đông, các loại dầu được sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp cũng sẽ tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.
Thủ tướng Kishida cho biết chính phủ nước này sẽ theo dõi chặt chẽ động thái giá nhiên liệu quốc tế và triển khai biện pháp ứng phó cần thiết một cách cơ động.
Đối với chính sách hỗ trợ giá điện và giá gas cũng dự kiến kết thúc vào cuối tháng Chín tới, Thủ tướng Kishida cho biết chính phủ sẽ tiếp tục kéo dài biện pháp này cho đến thời điểm triển khai chính sách kinh tế bổ sung nhằm đối phó với lạm phát./.