Giá vé bay cao ngất ngưởng, người dân chọn du lịch bằng xe cá nhân
Vé máy bay giá cao chót vót, một số chặng ngắn của ngành đường sắt “khan vé” đã khiến nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng xe cá nhân nhằm tiết giảm chi phí.
Chỉ còn gần hai tuần nữa sẽ đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay vẫn cao ngất ngưởng dù các hãng hàng không đã tăng thêm nhiều chuyến bay nội địa đi đến nhiều điểm du lịch.
Giá vé bay cao ngất ngưởng
Khảo sát trên website bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không trên một số chặng bay đi ngày 27/4 và về ngày 1/5 cho thấy, đường bay Hà Nội-Đà Nẵng Hãng hàng không Vietjet có giá 3,7-8,6 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietnam Airlines mở bán từ 4,7-9,5 triệu đồng/vé khứ hồi; Bamboo Airways còn rất ít vé với mức giá từ 4,3 đến 9 triệu đồng/vé khứ hồi.
Chặng Hà Nội-Phú Quốc, chiều đi ngày 27/4 của Vietjet là 3 triệu đồng/vé, còn lại có giá từ dưới 4 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/vé. Vietnam Airlines mức giá cao đến hơn 7 triệu đồng/vé. Với chiều về, ngày 1/5, Vietjet đã cạn vé, còn Vietnam Airlines vé rẻ nhất là 5,3 triệu đồng, còn lại là vé hạng thương gia với vé 7,9-11,8 triệu đồng/vé.
Với đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang, Bamboo Airways mở bán vé giá từ 3,6-8,3 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietjet mở bán từ 2,6-7,2 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietnam Airlines có giá từ 3,6-8,6 triệu đồng/vé khứ hồi.
Nếu hành khách lựa chọn chuyến bay một số chặng vào khung giờ đêm, giá “mềm” hơn bay ngày khoảng 500.000-1 triệu đồng tùy từng chặng nhưng mức giảm cũng không đáng kể.
Tính đến ngày 14/4, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, tình hình đặt giữ chỗ trên các đường bay du lịch trong giai đoạn cao điểm 30/4-1/5 cho thấy nhiều chặng bay vẫn còn chỗ để hành khách lựa chọn.
Cụ thể, với các chặng bay xuất phát từ Hà Nội đi các điểm du lịch như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... có tỷ lệ lấp đầy dao động khoảng 40-70%. Cá biệt, có một số đường bay có tỷ lệ lấp đầy lớn như chặng Hà Nội-Điện Biên (80,1% ngày 27/4), Hà Nội-Huế (74,26% ngày 27/4).
Các chặng khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các điểm du lịch nêu trên cũng hầu hết dao động từ 30-70%. Trong đó, một số đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao là Thành phố Hồ Chí Minh-Côn Đảo (79,54% ngày 27/4 và 95,6% ngày 28/4).
Ở chiều ngược lại, các chặng chiều về từ Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Tuy Hòa, Côn Đảo, Đồng Hới... về lại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lượng ghế cung ứng cũng còn nhiều. Trong đó, đường bay trong ngày 1/5 có tỷ lệ đặt chỗ trước đạt trên 80% như Phú Quốc-Hà Nội.
Nhìn nhận các hãng hàng không đã tăng chuyến trên các đường bay giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết tính từ ngày 26/4 đến ngày 2/5, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến cung ứng khoảng 900.000 ghế trên các đường bay nội địa.
Trong đó, các đường bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi đến các địa phương là 657.000 ghế; 3.400 chuyến bay, tăng tương ứng 4,2% về ghế cung ứng và 5,5% về số lượng chuyến bay so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, đội máy bay khai thác dự kiến của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn này là 165-170 máy, giảm 40-45 máy bay so với cùng kỳ năm 2023 cũng khiến nguồn cung tải thấp và kéo theo giá vé cao hơn so với thời điểm trước.
Đổi lịch trình du lịch bằng xe cá nhân
Với mức giá vé bay tăng cao, thay vì lựa chọn đi du lịch xa như những năm trước, nhiều gia đình đã tính đến việc chuyển sang sử dụng xe cá nhân để di chuyển đến các địa điểm lân cận nhằm tiết giảm chi phí.
Những ngày qua, chị Phạm Thị Ngọc Hoa (Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên vào website bán vé của các hãng bay nhằm lựa chọn cho mình mức giá vé “mềm” để lên lịch trình cho cả gia đình 4 người đi du lịch tại Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Thậm chí đã canh nhiều khung giờ để tìm vé rẻ, chị Hoa vẫn tá hỏa khi mức giá vé bay năm nay cao chót vót, vượt quá mức chi trả với thu nhập của hai vợ chồng.
“Nhà có 4 người, nếu mức giá rẻ nhất cũng đã khoảng 4-6 triệu đồng/người. Chỉ tính riêng chi phí đi lại đã ngót nghét trong khoảng trên dưới 20 triệu đồng, chưa tính ăn ngủ nghỉ thì sẽ không thể bỏ chừng đó tiền để đi du lịch,” chị Hoa ngao ngán nói.
Sau khi bàn bạc với chồng, chị quyết định chuyển hướng sử dụng xe ôtô cá nhân để đi Hải Phòng và Quảng Ninh cho lịch nghỉ 5 ngày của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này.
“Với số tiền vé tính toán trên, gia đình thoải mái lựa chọn một resort 4 sao tại hai đô thị lớn của cả nước. Chưa kể, hành trình đi lại rơi vào khoảng hơn 100km, quãng đường di chuyển đa phần là cao tốc nên cũng rất thuận lợi cho việc cầm lái. Các con cũng thỏa thích tắm biển hoặc ăn những món hải sản tươi ngon,” chị Hoa chia sẻ.
Do vé bay cao, anh Lê Đình Công (Long Biên, Hà Nội) đã quyết định cùng gia đình chuyển hướng sang mua vé tàu cho lịch trình Hà Nội-Đồng Hới. Tuy nhiên, anh Công cũng không thể lựa chọn cho cả nhà chỗ nằm ưng ý bởi chặng ngắn của ngành đường sắt cũng đã có dấu hiệu “khan vé”.
“Tàu QB1 ngày 27/4 đã hết giường nằm, chỉ còn vài ghế ngồi mềm, trong khi chiều ngược lại ngày 1/5 số lượng vé giường nằm trên tàu QB2 còn rất ít. Gia đình tôi phải tính đến việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân và thay vì đi Quảng Bình sẽ nghỉ ở Thanh Hóa,” anh Công nói.
Trên trang bán vé của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam từ ngày 26-27/4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về từ ngày 30/4-1/5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 hầu như hết vé. Hiện, vé chỉ còn chỗ các đoàn tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội-Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa.
“Hành khách có thể khó mua vé máy bay nên xu hướng chuyển sang đi tàu. Từ Tết đến nay, công suất các đoàn tàu ngày thường đạt 90-95%,” đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội thông tin thêm./.