Giá vàng tuần qua “nhảy múa” sau hai phiên đấu thầu thành công
Các chuyên gia kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và việc tăng cường giám sát, thị trường vàng sẽ đi vào thế ổn định và có thể giúp giảm bớt các biến động không cần thiết.
Trong tuần qua (từ 13/5-18/5), giá vàng liên tục biến động với nhiều phiên tăng giảm. Giá vàng nhẫn lập kỷ lục, vượt mốc 77 triệu đồng.
Sau khi lên đỉnh 92,4 triệu đồng ngày 11/5, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 13/5 giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm mạnh. Công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết mức giá vàng miếng SJC 85,5-87,5 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Chênh lệch mua và bán được giữ ở mức 2 triệu đồng. Riêng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng giảm tới 3,3 triệu đồng ở chiều mua và 2,8 triệu đồng ở chiều bán so với chốt phiên cuối tuần trước, ở mức 85,5 - 88,5 triệu đồng/lượng.
Các phiên tiếp theo trong tuần, giá vàng giữ mức tăng đều. Tuy nhiên, ngày 18/5, giá vàng đồng loạt tăng cao, vượt ngưỡng 90 triệu đồng/lượng, tăng nhiều nhất 600.000 đồng/lượng chiều bán và 400.000 đồng/lượng chiều mua. Giá vàng SJC ghi nhận mức giá 90,4 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất trong tuần qua. Chênh lệch mua-bán được đẩy lên ngưỡng cao, từ 2,5-3 triệu đồng/lượng thay vì ở mức dao động 2 triệu đồng như ở những phiên trước, đẩy rủi ro về phía người mua.
Ở thị trường vàng nhẫn, những ngày đầu tuần ghi nhận mức giá ổn định, xấp xỉ 76 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, từ ngày 16/5, giá vàng nhẫn tăng vọt, đồng loạt vượt 77 triệu đồng. Cụ thể, giá nhẫn trơn Hưng Thịnh Vượng của Công ty Doji Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bán ra 77,75 triệu đồng/lượng, mua vào 76,15 triệu đồng/lượng trong phiên sáng ngày 18/5.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thành công hai phiên đấu thầu vàng vào ngày 14/5 và 16/5. Tổng khối lượng vàng đấu thầu thành công là 204 lô, tương đương với 20.400 lượng vàng.
Giá trúng thầu cao nhất là 87,3 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng. Số lượng vàng miếng SJC trúng thầu là 12.300 lượng.
Tính chung 4 phiên, lượng vàng trúng thầu đã lên tới 27.200 lượng vàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, lượng vàng được mua từ Ngân hàng Nhà nước sau đó đã được doanh nghiệp bán ngay ra thị trường.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc giá đấu thầu cao càng tạo tâm lý hoang mang với người dân bởi với giá đấu thầu cao nhất 88,92 triệu đồng/lượng thì đương nhiên giá bán ra của doanh nghiệp đến tay người dân phải cao hơn con số này.
Ông Nghĩa cũng cho hay giải pháp đấu thầu vàng miếng như hiện nay không phải là biện pháp hữu hiệu để tăng nguồn cung và giải quyết bài toán chênh lệch về giá vàng trong và ngoài nước. Giải pháp tăng nguồn cung là cho phép doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng và Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá cao sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ về việc chỉ đạo sẽ rút giấy phép cửa hàng kinh doanh vàng nếu không xuất hóa đơn điện tử cho người mua.
"Giá trị một lượng vàng lên 70-90 triệu đồng mà không xuất hóa đơn điện tử là vô lý. Nên với chỉ đạo này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, chống thất thu thuế và ngăn chặn nạn buôn lậu vàng," ông Long nhận định.
Theo ghi nhận của phóng viên trong tuần qua, trên đường Nhân Nhân Tông (Hà Nội), lượng người mua, bán vàng ở Bảo tín Minh Châu và Vàng bạc Phú Quý liên tục nhưng không xảy ra tình trạng xếp hàng dài. Đa số những người đến giao dịch là người trung niên và người già.
Chị Nguyễn Nga (49 tuổi, Hai Bà Trưng) cho biết: “Sau phiên đấu thầu vàng thứ hai, tôi lo ngại vàng lên đỉnh nên như tuần trước nên vội thu xếp thời gian ra mua sớm. Chứ để thêm một thời gian, giá vàng lên cao nữa thì không biết mua được bao nhiêu.”
Cùng giống chị Nga, bà Lại Ngọc Nữ (72 tuổi, Hoàn Kiếm) cùng chồng ra cửa hàng mua vài cây vàng trong thời điểm vàng miếng có nhiều biến động trong một tuần nay. Bà cho hay: “Thời gian này, vàng cứ lên xuống liên tục, không biết được như nào, tôi cứ mua trước một ít để dành cho con cháu sau này cho chắc ăn.”
Ngược lại, bà Lâm (70 tuổi, Hai Bà Trưng) cho biết 2-3 ngày nay giá vàng lên xuống liên tục nên bà thường xuyên có mặt ở Trần Nhân Tông để canh giá hợp lý là chốt luôn, rồi bán lại kiếm lời.
“Gửi tiền tiết kiệm bây giờ lãi suất thấp quá, đầu tư bất động sản hay chứng khoán thì tôi lại không thông thạo và cũng không có nhiều tiền, nên tôi mua vàng để đó,” bà Lâm chia sẻ.
Cùng tâm lý giá vàng sẽ lên cao hơn nữa, anh Đức Hiếu (48 tuổi, Hà Đông) cho biết vẫn theo dõi sát giá vàng từng ngày, từng giờ, nếu thị trường thị trường vàng vẫn tiếp tục đạt được mức kỳ vọng anh sẽ bán nốt số vàng mình có để chốt lời.
Ngược lại, cũng có người đang lưỡng lự chưa mua vàng vội vì Ngân hang Nhà nước đã phát đi thông tin chính thức thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây.
Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, thậm chí, cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lập đỉnh trên 92 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Điều này thể hiện tại phiên sáng ngày 18/5, giá vàng thế giới tăng mạnh tới 38,9 USD lên 2.414,4 USD/ounce. Mức giá này khi quy đổi tương đương gần 75 triệu đồng/lượng, thấp hơn thương hiệu vàng SJC 15,4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó mấy phiên gần đây thương hiệu này đều cao hơn giá vàng thế giới tầm 17 triệu đồng/lượng.
Một chuyên gia cho rằng việc giá vàng trong nước không có nhiều biến động trong khi thế giới tăng mạnh là do một loạt các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện ngay trong tuần tới, hy vọng giá vàng trong nước và thế giới sẽ kéo khoảng cách gần nhau hơn nữa nhằm bình ổn thị trường, tạo sân chơi bình đẳng cho các chủ thể./.