Gia tăng bệnh nhân mắc thủy đậu và các bệnh đường hô hấp tại Hà Nội

Trong tuần qua (từ ngày 15-22/3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 44 ca mắc thủy đậu, tăng 21 ca so với tuần trước và dự báo số ca mắc bệnh này có thể gia tăng trong thời gian tới.

Một bệnh nhi đang được người nhà xông khí dung. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thời tiết giao mùa thay đổi thất thường, nồm ẩm khiến số bệnh nhân nhập viện trên địa bàn Hà Nội gia tăng, nhất là người già và trẻ nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm da dị ứng, thủy đậu.

Trong tuần qua (từ ngày 15-22/3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 44 ca mắc thủy đậu, tăng 21 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 246 ca mắc thủy đậu, giảm 364 ca so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự báo, số ca mắc thủy đậu trên địa bàn có thể gia tăng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm này được xem là “mùa” của bệnh thủy đậu do virus gây bệnh sinh sôi và phát tán nhanh chóng khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Bệnh thường diễn biến lành tính nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị cẩn thận, người bệnh có nguy cơ mắc biến chứng nặng nề như, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết… thậm chí tử vong.

Trên thực tế, các bệnh viện tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân biến chứng thủy đậu; trong đó, nhiều ca bệnh nặng, biến chứng, phổ biến nhất là bội nhiễm da, đa số bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm vaccine trước đó.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Đáng lưu ý, virus thủy đậu có thể tồn tại trong tế bào thần kinh nhiều năm và diễn tiến thành bệnh zona thần kinh gây đau đớn, giảm chất lượng cuộc sống người bệnh sau này.

Khi phát bệnh zona thần kinh, người bệnh có thể tiếp tục lây virus cho người khác gây ra bệnh thủy đậu. Người từng mắc thủy đậu thường có miễn dịch bền vững với virus. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với nguồn lây bệnh mà không biết cách phòng tránh, miễn dịch cơ thể suy giảm, có thể hoàn toàn mắc lại thủy đậu. Khi đó, người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho những người khác. Vì vậy, tiêm vaccine thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh, tránh lây lan cho người xung quanh.

Ngoài bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng, do thời tiết nồm ẩm, số người đến khám bệnh liên quan đến hệ hô hấp như cúm, viêm phổi, viêm phế quản… cũng tăng.

Tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân đến khám tăng 20-30% so với trước, chủ yếu là khám các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương những ngày này số bệnh nhân đến thăm khám do các bệnh nấm da, viêm da dị ứng… tăng gấp đôi so với thông thường. Đặc biệt, bệnh nấm da (hắc lào, lang ben) tăng lên theo thời tiết nồm ẩm. Bệnh này thường gặp ở những người có nhiều mồ hôi, vệ sinh thân thể không đúng cách, mặc chung quần áo của nhau, mặc quần áo ẩm ướt..., hay gặp ở người trẻ tuổi, hoạt động nhiều.

Cũng theo chuyên gia y tế, thời tiết nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm cần giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể; duy trì chế độ sinh hoạt khoa học; tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

(Ảnh minh họa. Anh Tuấn/TTXVN)

Để chủ động giám sát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 1073/SYT-NVY, trong đó yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và cơ Sở Y tế được phân công giám sát; cách ly, xử lý ổ bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.

Các Trung tâm Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở giáo dục, đặc biệt là các bệnh tay chân miệng, ho gà, thủy đậu…; vệ sinh thường xuyên trường học; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại cơ sở giáo dục, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương.

Các quận, huyện, thị xã phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) và đơn vị liên quan giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh ở động vật, đặc biệt là cúm gia cầm; ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; tăng cường tuyên truyền tại địa phương về biện pháp phòng, chống dịch bệnh./.