Giá nhiên liệu leo thang, hãng bay lo sợ ‘thu không đủ bù chi’
Các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về doanh thu khi giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động tại các cảng hàng không đã nhộn nhịp trở lại, đặc biệt là sản lượng khách đi lại tăng cao. Trong khi đường bay quốc tế chưa hút được nhiều khách du lịch do chính sách mở cửa thận trọng của nhiều nước, các hãng hàng không đều tận dụng khai thác thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, qua đó có nguồn tài chính kịp thời để bù đắp cho sự thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát, dẫn tới giá dầu thế giới leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả sản xuất kinh doanh của ngành hàng không sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Lỗ gần 100 tỷ mỗi tháng
Mặc dù sản lượng hành khách thị trường nội địa đang có dấu hiệu phục hồi song thị phần quốc tế mới chỉ đạt được khoảng 20% cùng với giá xăng, dầu tăng cao đã khiến các hãng hàng không Việt Nam rơi vào tình cảnh "thu không đủ bù chi".
Nhìn nhận do giá xăng, dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không hiện chiếm 40-50% trong tổng chi phí chung, nên dù có tăng trưởng doanh thu nhưng vẫn không đủ bù đắp được chi phí. Ước tính các hãng bay Việt hiện đang lỗ gần 100 tỷ mỗi tháng.
Ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết năm 2021, giá dầu Jet A1 bình quân 72USD/thùng, năm 2022 các hãng bay đều xây dựng kịch bản mức giá bình quân là 110USD/thùng, nhưng đến nay lên tới 162USD/thùng, cao gấp 2 lần so với 2021.
Với giá nhiên liệu liên tục lập đỉnh, ông Hiền cho hay một số hãng hàng không châu Phi đã dừng bay, hay như hãng Quantas (Australia) đã giảm nhiều chuyến bay nội địa từ nay đến 2023.
“Trong trường hợp mức giá nhiên liệu tăng cao và duy trì thời gian dài thì không có hãng bay nào kinh doanh có lãi. Sản lượng hành khách tăng đã kéo doanh thu nhưng chi phí đi theo tăng đột biến là cơ cấu chi phí bất hợp lý nên lỗ không giảm được nhiều. Nếu giá nhiên liệu như kịch bản Vietnam Airlines đã xây dựng cho năm 2022 là 110 USD/thùng thì con số lỗ của hãng rất khả quan và giảm bớt rất nhiều thiệt hại,” ông Hiền nói.
[Đà phục hồi hàng không: Gian nan đối mặt với 'sức khỏe tài chính']
Trong khi đó, theo tính toán của Vietravel Airlines, với giá nhiên liệu bình quân 130USD/thùng thì chi phí nhiên liệu/ghế đối với tàu bay Airbus321 của hãng là 688.000 đồng đối với chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội; 450.000 đồng đối với chặng Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội-Đà Nẵng.
“Với tình hình giá vé cạnh tranh như hiện nay, doanh thu bình quân/chuyến bay còn chưa đủ bù đắp được chi phí nhiên liệu chứ chưa nói đến chi phí biến đổi hoặc tổng chi phí,” đại diện Vietravel Airlines bày tỏ lo lắng.
Đề xuất phụ thu nhiên liệu và nới giá trần vé bay
Trước tình trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, kiến nghị Chính phủ giảm thuế môi trường, xăng dầu hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng; từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay giá vận chuyển hàng không nội địa thực hiện theo Thông tư số 17 năm 2019. Thời điểm xây dựng giá trần trên mức giá xăng dầu 80USD/thùng nhưng hiện nay đã 162USD/thùng, đã rất khác mức giá trần xây dựng.
“Tác động mức giá này đã được Vietnam Airlines báo cáo liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính xem xét cho điều chỉnh gồm có phụ thu nhiên liệu và nới giá trần,” ông Hà nói.
“Nới giá trần vé máy bay phản ánh thị trường vận tải hàng không nội địa cạnh tranh và giá vé điều tiết bằng chính các hãng khai thác. Nới khung giá này giúp hãng có phụ thu ở khách có khả năng chi trả và là cơ hội để hãng hàng không nới biên độ dao động giá, trên cơ sở đó có nhiều cơ hội khai thác và tác động phân khúc thị phần khách,” ông Hà phân tích thêm.
[Bộ trưởng GTVT: Rà soát để kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm phí]
Hãng hàng không Vietravel Airlines cũng đề nghị bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.
Đồng tình quan điểm này, theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA), giá xăng chiếm tới 30-40% tổng chi phí của các hãng hàng không và giá xăng tăng sẽ gây bất lợi, tăng chi phí của các hãng hàng không rất lớn.
“Các hãng hàng không Việt Nam vừa trải qua hơn 2 năm đại dịch đầy khó khăn, chưa kịp phục hồi; trong khi đó chi phí phát sinh do khôi phục lại thị trường và phòng, chống dịch giờ lại phát sinh chi phí xăng dầu tăng, đây rõ ràng là thách thức với các bay,” ông Nề phân tích.
Cho rằng việc tăng giá nhiên liệu có lý do khách quan, ông Nề đưa ra dẫn chứng tại thị trường quốc tế, các hãng bay được phép tăng phụ thu minh bạch khi giá nhiên liệu gia tăng bất thường cao trên 20% thì giá phụ thu nhiên liệu điều chỉnh tăng tương ứng./.