Giá ngoại tệ biến động ảnh hưởng tới nền kinh tế ra sao?
Các doanh nghiệp phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp đã có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư, xuất-nhập khẩu của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm 2022, thị trường quốc tế diễn biến phức tạp với nhiều biến động khó lường, căng thẳng Nga-Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu, tác động mạnh lên giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản, làm trầm trọng thêm hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát áp lực lạm phát tăng cao kỷ lục trên toàn cầu; thị trường tài chính tiền tệ biến động mạnh.
[Nếu diễn biến bất lợi, NHNN sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn]
Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022; mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022), khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh.
Ví dụ, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 5,3%, won của Hàn Quốc mất giá 4,7%, baht của Thái Lan mất giá 3,4%, đồng yen Nhật cũng xuống thấp đến mức kỷ lục...
Biến động mạnh mẽ của các đồng tiền đang tạo ra những lo ngại nhất định cho nền kinh tế trong bối cảnh phải ứng phó với lạm phát.
Đặc biệt, đồng euro mất giá khi tỷ giá đồng tiền này liên tục giảm và đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và gần như tương đương với đồng USD.
Trong phiên giao dịch ngày 20/7, giá đồng euro được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.067-24.494 đồng/euro (mua vào-bán ra).
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay đồng Việt Nam lên giá so với đồng euro, nhưng lại mất giá so với đồng USD.
Trong hoạt động ngoại thương, doanh nghiệp có hai dạng thanh toán chính là thanh toán bằng đồng USD hoặc đồng euro. Vì vậy, một trong hai đồng tiền này giảm giá thì xuất khẩu sẽ bất lợi, nhưng ở chiều ngược lại thì nhập khẩu sẽ có lợi khi mua được hàng hóa với mức giá rẻ hơn.
Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.
“Nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc sử dụng chỉ đồng USD hay đồng euro. Cùng với đó lạm phát, chiến sự Nga-Ukraine, dịch bệnh... đều tác động đến một số thị trường trọng điểm của Việt Nam, nên việc xây dựng chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường là cần thiết nếu tình trạng kể trên kéo dài,” ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho hay sự mất giá của đồng euro sẽ tác động đến các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Việc đồng USD tăng giá mạnh và đồng euro mất giá nhiều sẽ tác động nhiều tới tỷ giá và lạm phát của Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động nhiều nhất. Theo đó, với các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đồng euro sẽ bị thiệt, còn nhập khẩu bằng đồng euro sẽ có lợi.
Còn với việc tăng giá của đồng USD, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ làm tăng áp lực điều chỉnh tỷ giá tương lai của Việt Nam đồng... tuy nhiên, Việt Nam có nhiều thuận lợi như kinh tế tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán thặng dư...
Đó là những sức mạnh riêng giúp Việt Nam đồng không bị kéo theo tình trạng mất giá mạnh như nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế từ đầu năm đến nay, Việt Nam đồng chỉ mất giá nhẹ khoảng 1,9%.
Cùng với đó, nếu Việt Nam đồng tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn.
Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 của tháng 6 (16-30/6) đạt 33,36 tỷ USD, tăng 5,4% (tương ứng tăng 1,72 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2022.
Như vậy qua 6 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 371,32 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 52,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Nhưng trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh trong 20 năm trở lại đây so với một số đồng tiền khác (kể cả VND), hoạt động xuất nhập khẩu bị phân hoá mạnh.
Với những doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá USD tăng sẽ giúp giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, tăng tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn vì phải quy đổi từ Việt Nam đồng sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn.
Những tháng của năm 2022 cũng đã ghi nhận giá trị đồng yen Nhật sụt giảm xuống mức thấp nhất của 24 năm so với đồng USD, với mức giảm tương tự so với đồng bảng Anh và đồng euro do Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong khi Fed tăng mạnh lãi suất từ đầu năm đến nay.
Các chuyên gia cho rằng việc các đồng tiền khác như USD, euro hay yen Nhật biến động đều ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Nhật Bản.
Dù vậy, hoạt động ngoại thương của Việt Nam tại thị trường sử dụng đồng USD lớn nhất (chiếm khoảng 70%), sau đó mới đến thị trường sử dụng đồng euro và yên Nhật (5-8%), nên về mặt xuất khẩu bị ảnh hưởng nhưng chưa đáng kể.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết tỷ giá và thị trường ngoại tệ gặp nhiều áp lực nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp; phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô./.