Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu đi ngang
Tại An Giang, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như OM 18 từ 7.800-8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600-7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, OM 5451 từ 7.600-7.700 đồng/kg.
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu là đi ngang. Nguồn cung lúa gạo đang tăng lên nhờ vào vụ Hè Thu. Điều này khiến cho giá xuất khẩu giảm nhẹ.
Tại An Giang, giá hầu hết các loại lúa không có sự thay đổi như OM 18 từ 7.800-8.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600-7.700 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, OM 5451 từ 7.600-7.700 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.400-7.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg...
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000- 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến trung tuần tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4,2 triệu ha lúa, bằng 99% so với cùng kỳ. Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 2,64 triệu ha, bằng 100,3%.
Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,84 triệu tấn, bằng 102% so với cùng kỳ. Diện tích lúa từ nay đến cuối năm dự kiến gieo cấy khoảng 2,89 triệu ha; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu ha, sản lượng lúa dự kiến thu được khoảng 25,56 triệu tấn.
Về xuất khẩu, theo các nhà giao dịch, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức giá từ 580-585 USD/tấn vào ngày 30/5, giảm so với mức từ 585-590 USD/tấn của tuần trước đó.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo giảm khi nguồn cung tăng, do nông dân thu hoạch vụ Hè Thu nhiều hơn.
Vừa qua, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp.
Không chỉ Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng giảm trong tuần qua, do nhu cầu thấp hơn và nguồn cung tăng, trong khi giá gạo của Ấn Độ ổn định nhờ nhu cầu của các nước châu Phi được duy trì.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức từ 620-630 USD/tấn, giảm nhẹ so với từ 630 - 635 USD/tấn của tuần trước đó. Theo một nhà giao dịch tại Bangkok, giá gạo giảm do phiên đấu thầu trước đã kéo giá bán tăng, nhưng cuối cùng gạo của Thái Lan lại không được bán.
Một nhà giao dịch khác cho biết nhu cầu của châu Phi và Iraq ổn định đã hỗ trợ giá và nguồn cung sẽ được bổ sung thêm vào tháng 7 và tháng 8 tới.
Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ từ 535-543 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi nhiều so với mức từ 536-544 USD/tấn của tuần trước.
Theo một nhà xuất khẩu ở bang phía Nam Andhra Pradesh, nguồn cung giảm ở các bang miền Trung và phía Đông. Nhu cầu ít nhiều ổn định nhờ việc Ấn Độ chào mức giá thấp hơn các nước khác.
Về thị trường càphê, giá càphê trên thị trường thế giới ngày 1/6 chịu áp lực giảm trở lại sau đà tăng mạnh của phiên ngày hôm trước.
Cụ thể, trên sàn ICE Future Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 giảm 2,88%, còn 4.147 USD/tấn. Trên sàn ICE Futures US, giá càphê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 3,07%, còn 225,85 US xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Áp lực giảm chủ yếu đến từ việc các quỹ đầu cơ đẩy mạnh thanh lý các hợp đồng mua khống trước đây sau đợt tăng giá vừa qua. Bên cạnh đó, thời tiết khô ráo tại Brazil đang thúc đẩy việc thu hoạch tại đây, đặc biệt là đối với càphê Robusta.
Xét về mặt kỹ thuật, các mốc kháng cự mạnh của giá càphê Robusta vừa qua là 3.967 USD/tấn và 4.200 USD/tấn. Hiện thị trường đang dao động quanh mốc 4.200 USD/tấn, nếu vượt qua được mốc này với dòng tiền dồi dào thì thị trường hoàn toàn có thể thăm dò đỉnh lịch sử cũ 4.338 USD/tấn.
Thậm chí, một số chuyên gia phân tích lạc quan cho rằng với việc chỉ số USD đã hạ nhiệt thì các loại hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này như càphê sẽ trở nên hấp dẫn giới đầu tư trên toàn cầu hơn, từ đó gia tăng nhu cầu trên thị trường giao sau.
Tại thị trường giao ngay, các đại lý và doanh nghiệp đang tiếp tục lo ngại lượng mưa không đủ tại vùng Tây Nguyên của Việt Nam có thể làm giảm sản lượng trong vụ mới.
Bên cạnh đó, tại Brazil cũng có những cảnh cáo ban đầu về đợt nắng nóng có thể tiếp tục diễn ra gây rủi ro cho các khu vực trồng càphê trong niên vụ 2024/2025.
Theo khảo sát, giá càphê tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng ngày thứ 4 liên tiếp.Cụ thể, giá càphê tại Đắk Lắk và Gia Lai cùng tăng 800 đồng/kg, đạt 123.500 đồng/kg, tại Lâm Đồng tăng 1.000 đồng/kg, đạt 123.000 đồng/kg, còn tại Đắk Nông tăng 800 đồng/kg, đạt 124.000 đồng/kg - mức cao nhất trên cả nước hiện nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, càphê là một trong những mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ.
Mức tăng giá xuất khẩu càphê cao hơn so với gạo, tiêu (tăng lần lượt 20,5% và 39,3%)...
Theo các chuyên gia, nông dân thu lời tốt vụ càphê vừa qua khi giá lên dù sản lượng có sụt giảm. Giá cao sẽ giúp người nông dân có động lực chăm sóc tốt hơn cho vườn càphê, cũng như tính tới phương án mở rộng diện tích./.