Gia Lai tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp để bảo vệ người tiêu dùng
Tỉnh Gia Lai tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trước thực trạng gia tăng các hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, tỉnh Gia Lai đang nỗ lực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý các hoạt động kinh doanh đa cấp. Song song với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và kiến thức pháp luật trước các hình thức lừa đảo tinh vi để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thách thức trong quản lý
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn có 12 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có văn phòng đại diện hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng. Tổng số người tham gia lên tới trên 5.300 người, với tổng doanh thu năm 2023 đạt 104 tỷ đồng. Con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh đa cấp, nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể trong công tác quản lý, giám sát.
Bà Trần Thu Hằng, chuyên viên pháp chế Công ty New Image Việt Nam, cho biết công ty đã hoạt động tại Gia Lai nhiều năm và cung cấp cơ hội kinh doanh cho người tham gia và các sản phẩm chất lượng cao. Công ty luôn tuân thủ quy định của pháp luật và có sự giám sát chặt chẽ từ ngành chức năng.
Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết hầu hết các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo. Đến nay, chưa phát hiện vụ vi phạm nào liên quan đến tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo trái phép hay cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của loại hình này đang có dấu hiệu biến tướng tinh vi hơn, gây khó khăn cho công tác quản lý so với những năm trước.
“Hiện Sở Công Thương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên hệ phối hợp làm việc với các công ty kinh doanh đa cấp trên địa bàn. Công tác quản lý chỉ tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh có đăng ký hoạt động tại địa phương, trong khi chưa có đơn vị chuyên trách để quản lý lĩnh vực này dẫn đến khó có thể bao quát hết được những hoạt động đa cấp bất hợp pháp. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0, nhiều hoạt động trao đổi, giao dịch diễn ra qua mạng Internet với các ứng dụng điện thoại phổ biến như: Facebook, Zalo, TelegramX, Viber, Zoommeeting... khiến việc phát hiện các hành vi đa cấp biến tướng càng trở nên phức tạp hơn,” Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Đào Thị Thu Nguyệt chia sẻ thêm.
Nhiều giải pháp căn cơ được triển khai
Để nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực này, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ông Trần Khánh Toàn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1082/KH-UBND ngày 05/8/2021 về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025.
Về phía Sở Công Thương, hằng năm đều ban hành các kế hoạch cụ thể nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật mới về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp của Chính phủ và Bộ Công Thương cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Công tác thanh tra, kiểm tra đinh kỳ và đột xuất đối với hoạt động kinh doanh này được thực hiện thường xuyên, nếu phát hiện vi phạm, các đơn vị hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sẽ bị xử lý nghiêm và kết quả xử lý sẽ được công khai trên các trang thông tin.
Ngoài ra, việc tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, người cao tuổi và cộng đồng dân cư vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về cách nhận diện các hình thức kinh doanh đa cấp hợp pháp và bất hợp pháp cũng được duy trì liên tục và hiệu quả.
“Ngành chức năng sẽ thường xuyên tăng cường công tác quản lý và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác và tìm hiểu trước khi tham gia vào bất kỳ hình thức kinh doanh nào, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng, trá hình dưới dạng đầu tư tài chính, tiền ảo và các sản phẩm chưa được đăng ký kinh doanh,” Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Trần Khánh Toàn cho biết thêm.
Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Khuất Duy Thoại, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết các hình thức kinh doanh biến tướng đã có, nhất là những hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số như huy động tài chính, tiền ảo, liên quan đến những sản phẩm chưa được đăng ký kinh doanh trên thị trường Việt Nam đều có dấu hiệu của kinh doanh đa cấp và lừa đảo. Người dân cần lưu ý rằng những hình thức kinh doanh đa cấp dựa trên nền tảng kỹ thuật số hiện nay đang bị cấm theo Nghị định số 40 của Chính phủ về bán hàng đa cấp.
Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã luật hóa các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các quy định về quản lý bán hàng đa cấp.
Khi quy định được siết chặt, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ được thanh lọc. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, hiện cả nước chỉ còn 19 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016. Năm 2023, tổng số người tham gia đã giảm xuống còn hơn 768.000 người, với doanh thu đạt hơn 16.800 tỷ đồng giảm 20% so với năm trước.
Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản số 8645/BCT-CT ngày 29/10/2024, yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, ngăn ngừa nguy cơ xâm phạm an ninh trật tự và các biểu hiện trái với truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống tội phạm và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Nghiên cứu đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý bán hàng đa cấp... cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới./.