Gia Lai: Báo cáo thiếu nhất quán trong vụ khai thác đá trái phép tại Đức Cơ
Liên quan vụ khai thác đá trái phép tại Đức Cơ, Chủ tịch UBND huyện khẳng định vụ việc đang được xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên các báo cáo ngày 2/4 và 12/4 của UBND huyện được ghi nhận thiếu nhất quán.
Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) vừa cung cấp Báo cáo Số 154/BC-UBND ngày 12/4/2024 về kết quả kiểm tra khu vực mỏ đá khai thác trái phép tại thôn Mook Trê, xã Ia Dom, sau khi Thông tấn xã Việt Nam phản ánh.
Tuy nhiên, báo cáo này không nhất quán với Báo cáo Số 133/BC-UBND ngày 2/4/2024 cũng của Ủy ban Nhân dân huyện này về kết quả kiểm tra khu vực trên.
Trước đó, ngày 2/4, Thông tấn xã Việt Nam đã đăng phát tin "Xác minh việc khai thác khoáng sản đá trái phép tại huyện Đức Cơ, Gia Lai" phản ánh hoạt động khai thác đá trái phép diễn ra rầm rộ, trong thời gian dài tại địa phương này nhưng chính quyền địa phương không phát hiện để xử lý.
Nội dung tin đã ghi nhận, theo ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, đến ngày 2/4/2024, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ vẫn chưa có báo cáo chính thức về vụ việc nói trên.
Mặc dù, Sở đã nhận được báo cáo nhanh từ địa phương, nhưng vẫn chưa rõ ràng, không nhất quán giữa các số liệu báo cáo và thực tế hiện trường được phóng viên ghi nhận.
Ông Bình cho rằng có sự khác biệt đáng kể về khối lượng đá và quy mô khai thác giữa báo cáo và hình ảnh từ hiện trường. Do đó, Sở không chấp nhận nội dung báo cáo nhanh và yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ cùng các cơ quan chức năng liên quan cung cấp báo cáo chi tiết và giải trình thêm về vấn đề này.
Theo Báo cáo Số 133/BC-UBND ngày 2/4/2024 của Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ dựa trên cơ sở Báo cáo Số 75/BC-UBND ngày 26/3/2024 của Ủy ban Nhân dân xã Ia Dom về việc khai thác khoáng sản đá trái phép trên địa bàn xã, tại thực địa phát hiện khoảng 3m3 đá chẻ, 4m3 đá lôca và một số viên đá thô tại hiện trường.
Những viên đá này được cho là do người dân địa phương khai thác “tự ý cải tạo đất” và “tận thu” cho mục đích xây dựng cá nhân. Báo cáo cũng nhấn mạnh không có bằng chứng về người hoặc phương tiện khai thác tại hiện trường.
Sau khi Sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh không chấp nhận báo cáo này, ngày 12/4, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ đã gửi Báo cáo Số 154/BC-UBND ngày 12/4/2024.
Báo cáo này thừa nhận rằng khu vực khai thác là một mỏ đá cũ, năm 2005 đã cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Công Nam, với diện tích 2ha.
Tuy nhiên, giấy phép đã hết hạn từ năm 2011, đến nay Công ty này chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ và các biện pháp phục hồi môi trường theo quy định.
Cũng theo Báo cáo Số 154/BC-UBND, tại thời điểm kiểm tra sáng 25/3, ngoài số đá đã được nêu tại Báo cáo Số 133/BC-UBND ngày 2/4/2024, chính quyền ghi nhận thêm 12m3 đá nguyên khối.
Sự mâu thuẫn giữa hai bản báo cáo này và ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại hiện trường cùng thời điểm đặt dấu hỏi về tính chính xác, minh bạch của việc cung cấp thông tin của chính quyền huyện Đức Cơ.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 24/3, sau khi nắm được thông tin vụ việc khai thác đá trái phép, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tới hiện trường để ghi nhận tình hình.
Chiều cùng ngày, nhóm phóng viên đã thông báo vụ việc và gửi hình ảnh, thông tin đến ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ.
Ông Định cam kết sẽ tiến hành kiểm tra ngay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng chỉ tới kiểm tra vào ngày hôm sau (25/3/2024), thời điểm người và phương tiện khai thác đá không còn tại hiện trường.
Trao đổi về vụ việc, ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ đã bày tỏ quan điểm, cho biết việc xử lý vụ việc đang được tiến hành một cách nghiêm túc và minh bạch.
Ông Định cũng khẳng định địa phương không bao che và ngay khi phát hiện đã yêu cầu báo cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời, địa phương cam kết sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan, cũng như sẽ đưa ra các biện pháp cải thiện quy trình giám sát trong tương lai.
Vụ việc khai thác đá trái phép tại huyện Đức Cơ là hồi chuông cảnh báo về tình trạng quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập.
Việc xử lý nghiêm minh, minh bạch không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là vấn đề về uy tín và trách nhiệm của chính quyền địa phương, góp phần quản lý tài nguyên khoáng sản một cách bền vững./.