Giá hàng hóa tương đối ổn định ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024
Theo Cục Quản lý giá, mùng 2 Tết, các siêu thị lớn đã mở cửa. Một số chợ đầu mối lớn và một số điểm chợ nhỏ bắt đầu bán hàng, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết Giáp Thìn), Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho biết giá cả tương đối ổn định so với trước Tết, chỉ một số nơi giá rau củ tươi, thủy hải sản tăng hơn 20% so với trước Tết.
Theo Cục Quản lý giá, sang đến mùng 2 Tết, các siêu thị lớn đã mở cửa; một số chợ đầu mối lớn và một số điểm chợ nhỏ bắt đầu bán hàng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân do đây là các mặt hàng không tích trữ lâu được.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số siêu thị như Coop mart, Satra… đã hoạt động trở lại nhưng thời gian hoạt động ngắn hơn so với ngày thường. Một số chợ truyền thống cũng hoạt động trở lại nhưng với số lượng sạp ít, chủ yếu mua bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, rau, củ và trái cây, chủ yếu thương nhân ra bán lấy ngày khai trương và giao mối cho các nhà hàng-quán ăn hoạt động trong mùa Tết Nguyên đán. Người dân cũng đã mua sắm đầy đủ vào các ngày trước đó nên sức mua giảm, mãi lực thấp. Giá cả hàng hóa lương thực, thực phẩm, trái cây, rau củ quả vẫn ổn định.
Tại Cần Thơ, nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung. Ở chợ truyền thống, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ chiều ngày Mùng 1 Tết đến sáng ngày Mùng 2 Tết cơ bản ổn định do người dân đã mua đủ nhu cầu cho những ngày vui Tết. Các siêu thị đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn nên giá cả các mặt hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn ổn định.
Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng tiện ích thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng với các hình thức tặng quà, giảm giá… khuyến khích người dân gia tăng mua sắm, tăng doanh thu của các doanh nghiệp phục vụ Tết. Để tăng cường quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên các địa phương chú trọng triển khai nhiều giải pháp như chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động trong bình ổn giá cả thị trường, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý giá, các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, đưa hàng Tết đến các vùng sâu vùng xa, tổ chức các hội chợ Xuân, các chương trình khuyến mại, giảm giá…
Ngoài ra, các địa phương cũng triển khai quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các yếu tố hình thành giá của các hàng hóa, dịch vụ độc quyền, thực hiện các đoàn kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý; kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng như giá cước vận tải, giá giữ xe, giá dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ khác trong các dịp lễ, Tết... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của Luật Giá và pháp luật liên quan.
Cùng với đó, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân chỉ đạo các sở, ban, ngành theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trước, trong và sau Tết, chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Các tỉnh đã rất linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương về cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia.
Các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức bán hàng đến cận Tết và bán sớm sau Tết để đảm bảo tình trạng khan hiếm hàng hóa không xảy ra, ổn định giá cả thị trường.
Cục Quản lý giá dự báo, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong và sau Tết, quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết (trong tháng Giêng là tháng lễ hội nên thường giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).
Trong Tết, hầu như ít có giao dịch mua bán ngày mùng 1, mùng 2 nên giá cả thường ổn định như trước Tết. Các ngày nghỉ Tết tiếp theo giá cả sẽ có khả năng tăng giá cục bộ tại các chợ dân sinh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống và hoa tươi do người dân mua sắm phục vụ ăn uống, thắp hương ngày Tết.
Cục Quản lý giá kiến nghị từ ngày mùng 3 Tết, như mọi năm thị trường sẽ dần sôi động hơn do nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Bước sang năm 2024, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và tốc độ phục hồi chậm, biến động địa chính trị gia tăng.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần chủ động dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả./.