Giá gạo Thái Lan đi xuống do nhu cầu và đồng nội tệ giảm
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này giảm xuống 430-440 USD/tấn so với mức 450-460 USD/tấn trong tuần trước, trong lúc đồng baht đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã đi xuống trong tuần này do nhu cầu và đồng nội tệ đều giảm, trong khi các thương nhân ở Bangladesh chờ đợi nguồn cung từ nước láng giềng Ấn Độ sau khi mưa lớn ảnh hưởng đến mùa màng.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 430-440 USD/tấn so với mức 450-460 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết giá gạo giảm do đồng baht yếu đi. Đồng baht đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm trong tuần này, khiến giá gạo xuất khẩu thấp hơn khi tính theo USD.
Bên cạnh đó, giá mặt hàng này cũng chịu tác động do nhu cầu giảm. Theo một nhà giao dịch khác, nguồn cung gạo vẫn dồi dào với các vụ mùa mới dự kiến bắt đầu vào cuối tháng tới.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Bangladesh, lũ lụt đã cuốn trôi cây trồng, vốn có thể cho sản lượng gần 300.000 tấn gạo. Do đối mặt với thiên tai thường xuyên trong những năm gần đây, Bangladesh đã chuyển vai trò từ nhà sản xuất gạo lớn thành quốc gia nhập khẩu gạo.
Tuần trước, Bộ trưởng Lương thực cho biết Bangladesh sẽ cho phép các đơn vị tư nhân nhập khẩu gạo. Phần lớn lượng gạo nhập khẩu sẽ đến từ Ấn Độ bằng đường bộ do giá cả cạnh tranh.
[Điểm lại thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo châu Á tiếp tục tăng]
Giá của loại gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần này vẫn giữ nguyên ở mức 357-362 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh, cho biết các nhà xuất khẩu Ấn Độ không tăng giá bán gạo giữa bối cảnh việc đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục đang làm tăng tỷ suất lợi nhuận của họ. Lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ của Ấn Độ đã khiến các nhà kinh doanh gạo tăng cường hoạt động thu mua.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng không đổi và giữ ở mức 420-425 USD/tấn. Một thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu gạo đang tăng lên khi các quốc gia tăng cường thu mua gạo giữa những lo ngại về khả năng giá lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục tăng. Theo thương lái này, giá lúa trong nước đang tăng nhẹ so với một tuần trước và có thể gây sức ép lên giá gạo xuất khẩu trong những tuần tới.
Giá nông sản Mỹ đồng loạt đi xuống
Trong phiên giao dịch ngày 17/6, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đồng loạt đi xuống, dẫn đầu là lúa mỳ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 4 xu (0,54%) xuống 7,31 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 giảm 44 xu (4,08%) xuống 10,3425 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 7/2022 giảm 7,5 xu, tương đương 0,44% xuống 17,02 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Giá lúa mỳ đi xuống giữa bối cảnh nông dân Mỹ đang trong vụ thu hoạch. Theo các nhà quan sát, đà giảm mạnh của giá dầu thô, trước thông tin chính phủ Mỹ cân nhắc áp dụng chính sách giới hạn xuất khẩu nhiên liệu để kiềm chế đà tăng giá trong nước, đã khiến giá ngũ cốc tại Mỹ sụt giảm.
Giá càphê sụt giảm
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe-London đảo chiều sụt giảm. Giá mặt hàng này giao tháng 7/2022 giảm 26 USD, xuống 2.065 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 23 USD xuống 2.079 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng giảm, với kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 4,30 xu xuống 227,65 xu/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 4,40 xu, xuống 227,40 xu/lb, các mức giảm khá mạnh (1lb = 0,45kg).
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 300-400 đồng, xuống dao dộng trong khung 40.700-41.300 đồng/kg.
Giá càphê hai sàn kỳ hạn đảo chiều sụt giảm trong sự biến động chung của thị trường tài chính toàn cầu sau việc điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn, buộc các giới đầu cơ phải xem xét lại vị thế trên các thị trường hàng hóa phái sinh.
Theo các nhà quan sát, hầu hết các thị trường đang có lo ngại lạm phát vượt mức trên thế giới có thể khiến lãi suất cơ bản tiền tệ tăng mạnh hơn, có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu, trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế triệt để và xung đột tại Đông Âu vẫn còn kéo dài./.