Giá đồng dự báo sẽ tăng hơn 75% trong 2 năm tới do nhu cầu tăng
Quá trình chuyển đổi năng lượng Xanh tăng tốc đã dẫn đến nhu cầu đồng - kim loại không thể thiếu để chế tạo các động cơ sử dụng nguyên liệu tái tạo - tăng mạnh.
Giá kim loại đồng dự kiến sẽ tăng hơn 75% trong vòng hai năm tới, do nhu cầu tăng, trong khi hoạt động khai thác bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Theo báo cáo của BMI, cơ quan nghiên cứu của Fitch Solutions, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tăng tốc đã dẫn đến nhu cầu đồng phát triển. Đây là một nguồn kim loại không thể thiếu để chế tạo các động cơ sử dụng nguyên liệu tái tạo. Quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra càng mạnh mẽ thì nhu cầu đồng càng lớn hơn.
Ngoài ra, giao dịch đồng chủ yếu sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán. Khả năng đồng USD giảm giá trong nửa cuối năm 2024 dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy giá đồng tăng cao hơn.
Chuyên gia Matty Zhao, người đứng đầu bộ phận vật liệu cơ bản châu Á-Thái Bình Dương của công ty chứng khoán thuộc Bank of America, nhận định giá đồng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Do đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và đồng USD yếu hơn sẽ hỗ trợ giá đồng.
Ông Zhao cũng lưu ý tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) mới đây, hơn 60 quốc gia đã nhất trí ủng hộ một kế hoạch tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030.
Đây là một động thái mà các nhà kinh tế học tại Citibank cho rằng “sẽ cực kỳ lạc quan đối với giá đồng.”
Trong bản báo cáo phát hành tháng 12/2023, Citibank dự báo việc thiết lập mục tiêu năng lượng tái tạo cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu đồng tăng thêm khoảng 4,2 triệu tấn vào năm 2030.
Báo cáo cho biết thêm điều này có khả năng đẩy giá đồng lên 15.000 USD/tấn vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mức đỉnh kỷ lục 10.730 USD/tấn được thiết lập vào tháng 3/2023.
Mặc dù nhu cầu đồng liên tục tăng cao, nhưng trên thực tế hoạt động khai thác dòng kim loại quan trọng này lại đang bị gián đoạn trên toàn cầu.
Tháng 11/2023, công ty First Quantum Minerals tuyên bố ngừng sản xuất tại mỏ đồng Cobre Panamá - một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới, sau khi vấp phải phán quyết bất lợi từ Tòa án Tối cao Panama và các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc, liên quan tới các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Anglo American, một nhà sản xuất khoáng sản lớn khác, cho biết sẽ cắt giảm sản lượng đồng vào năm 2024 và 2025, nhằm cắt giảm chi phí.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán mức thâm hụt nguồn cung đồng trong năm 2024 vào khoảng 500.000 tấn. Trong báo cáo phát hành tháng 11/2023, các nhà phân tích của ngân hàng này viết: “Việc cắt giảm nguồn cung củng cố quan điểm của chúng tôi rằng thị trường đồng đang bước vào chu kỳ thắt chặt rõ ràng hơn nhiều.”
Goldman Sachs dự đoán giá đồng sẽ đạt 10.000 USD/tấn trong năm nay và có thể lên tới 15.000 USD/tấn vào năm 2025.
Nhà phân tích đồng cao cấp của S&P Global, Wang Ruilin, cho biết nguồn cung thấp hơn cũng có nghĩa là các nhà máy luyện đồng mới đi vào hoạt động sẽ thiếu nguồn nguyên liệu tinh khiết để hoạt động.
Quặng đồng được khai thác từ lòng đất và sau đó được chuyển thành tinh quặng đồng. Từ đó, chúng được gửi đến các lò luyện kim để tinh chế thành đồng tinh luyện, thiết lập giá chuẩn trên sàn giao dịch kim loại của thế giới (The London Metal Exchange - LME).
Bà Ruilin nhấn mạnh các nhà máy luyện đồng sẽ chứng kiến tình trạng thiếu nguồn cung tinh quặng đồng bắt đầu từ năm 2024 và mức thâm hụt được dự báo trên thị trường tinh quặng dự kiến sẽ lớn hơn nữa vào năm 2025-2027./.