Giá điện tăng 4,8%, các khách hàng sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền điện?

Đại diện EVN cho biết với khách hàng sinh hoạt sử dụng dưới 200 kWh/tháng, mỗi tháng bình quân giá điện sẽ tăng 13.800 đồng/tháng/hộ. Sử dụng từ 200 kWh đến 300 kWh, mức tăng khoảng 32.000 đồng.

Nhân viên EVNHANOI hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. (Ảnh: evnhanoi)

Tại buổi họp trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức chiều 11/10, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN đã làm rõ về tác động của việc tăng giá điện 4,8% tới các khách hàng.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết cơ sở để tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này theo Quyết định 05/TTg của Thủ tướng Chính phủ và thông tư 09 hướng dẫn Quyết định 05/TTg.

“Nếu căn cứ công thức tính toán theo quyết định 05 và thông tư 09 thì mức tăng sẽ cao hơn rất nhiều. Cơ quan chức năng đã cân đối lại hài hòa để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước,” ông Nguyễn Xuân Nam nói.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Nam, đối với khách hàng sinh hoạt sử dụng dưới 200 kWh/tháng, tổng số khoảng 17,4 triệu hộ, tương đương 61,35 tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, với mức tăng 4,8% mỗi tháng bình quân tăng 13.800 đồng/tháng/hộ.

Ngoài ra, đối với khách hàng sử dụng từ 200 kWh đến 300 kWh tăng khoảng 32.000 đồng còn sử dụng từ 300-400 kWh là 47.000 đồng và trên 400 kWh tăng khoảng 62.000 đồng.

"Đây là mức rất thấp và tính toán này cũng được các bộ, ngành cân đối để đảm bảo mức tăng không ảnh hưởng nhiều tới CPI," ông Nguyễn Xuân Nam cho hay.

Tại họp báo, đại diện EVN thông tin thêm, với khách hàng kinh doanh dịch vụ có khoảng 547.000 khách hàng, do đó với mức tăng 4,8%, mỗi tháng mỗi hộ sẽ phải trả bình quân 247.000 đồng; đối với hộ sản xuất (có khoảng 1,921 triệu khách hàng, với mức tăng 4,8% thì tiền điện tăng lên khoảng 499.000 đồng/tháng).

Đại diện EVN cũng đưa ra đánh giá tác động với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi giá điện tăng 4,8% của năm 2024 là 0,04%.

Ông Nam thông tin thêm, năm 2024 do xung đột chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm cho thị trường than, khí kể cả tỷ giá cũng tăng. Đơn cử, than tăng 73% về nhập khẩu còn trong nước tăng 35%, cộng với giá khí và tỷ giá tăng, tất cả được tính toán trong biểu công thức tại Quyết định 05/TTg và thông tư 09 của Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) giải đáp câu hỏi của phóng viên về nhập khẩu điện. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về mua điện từ Lào, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay việc nhập khẩu điện căn cứ quy hoạch tổng thể và cân đối nhu cầu trong giai đoạn trung hạn, dài hạn, có tính toán về lượng nhập khẩu. Trên cơ sở đó có đánh giá, so sánh về giá điện nhập khẩu.

Theo ông, giá điện nhập khẩu được tính toán trên cơ sở điều kiện địa lý cũng như giá thành từng giai đoạn và từng loại hình. Việc “thấp hay cao” phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các loại hình phải so sánh với nhau và từng giai đoạn, từng nhu cầu và từng vùng địa lý để tiến hành nhập khẩu điện./.