Giá dầu trên thị trường thế giới giảm hơn 5% trong tuần qua

Sức ép từ đồng USD mạnh lên, bên cạnh việc giới đầu tư cân nhắc khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 5 và làm giảm hy vọng phục hồi của Mỹ đã khiến giá dầu giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Carson, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù đảo chiều tăng vào phiên cuối tuần, song xu hướng đi xuống trong phần lớn các phiên giao dịch của tuần qua đã khiến giá dầu thế giới chứng kiến tuần giảm.

Sức ép từ đồng USD mạnh lên, bên cạnh việc giới đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng Năm và làm giảm hy vọng phục hồi của kinh tế Mỹ đã khiến giá dầu giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 17/4).

Giới đầu tư hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Năm.

Đồng thời, thị trường cũng kỳ vọng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, một động thái thường xảy ra trong thời kỳ suy thoái.

[Giá dầu tiếp tục giảm sau những dự báo về việc tăng lãi suất]

Số liệu lạc quan từ kinh tế Trung Quốc đã giúp giá dầu quay đầu tăng nhẹ ngay trong phiên giao dịch liền sau đó.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 1/2023 mạnh hơn dự kiến đã củng cố tâm lý thị trường, song chỉ số lòng tin kinh tế quan trọng ở Đức sụt giảm liên tục đã phần nào hạn chế đà tăng của giá dầu.

Thị trường "vàng đen" liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch 19-20/4, khi lạm phát cao dai dẳng tại châu Âu làm giảm sút lòng tin và những dự báo về việc tăng lãi suất.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/4, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 56 xu Mỹ, lên 81,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tăng 50 xu, lên 77,87 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt mất 5,5% và 5,7%.

Trước đó, cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm hơn 2% phiên 20/4, xuống mức thấp nhất kể từ thông báo bất ngờ hồi đầu tháng 4/2023 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về cắt giảm sản lượng, do lo ngại suy thoái kinh tế và dự trữ xăng tại Mỹ tăng mạnh.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu dự kiến trong nửa cuối năm nay. Diễn biến này có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng cũng như đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, dữ liệu khảo sát từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh đã thúc đẩy giá dầu đi lên vào phiên cuối tuần này.

Cuộc khảo sát cho thấy đà phục hồi kinh tế Eurozone đã bất ngờ tăng tốc trong tháng này, khi ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối chứng kiến nhu cầu tăng cao, đủ nhiều để bù đắp cho sự suy thoái sâu sắc trong lĩnh vực sản xuất.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động phục hồi và lạm phát chi phí đầu vào thấp nhất trong hơn 2 năm.

Tại Ấn Độ, hoạt động xử lý dầu thô của các nhà máy lọc dầu đã đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 3/2023, đáp ứng nhu cầu theo mùa ổn định tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới.

Triển vọng nguồn cung khan hiếm đã hỗ trợ thêm cho giá dầu, với các nhà phân tích dự báo dự trữ dầu thô sẽ giảm từ tháng tới, do mục tiêu giảm sản lượng của OPEC và nhu cầu tăng ở Trung Quốc.

Báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm 3 giàn khoan dầu và khí tự nhiên, mức tăng lần đầu tiên sau 4 tuần, lên 591 giàn trong tuần tính đến ngày 21/4./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)