Giá dầu trên thị trường châu Á đi lên trong phiên chiều 20/6
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 42 xu Mỹ (0,4%) lên 113,54 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 29 xu Mỹ (0,3%) lên 109,85 USD/thùng.
Giá dầu châu Á đi lên trong chiều 20/6, đảo ngược đà giảm trước đó, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt đã “lấn át” những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu chậm lại.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 42 xu Mỹ (0,4%) lên 113,54 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 29 xu Mỹ (0,3%) lên 109,85 USD/thùng.
Hầu hết các nước đã không còn được tiếp cận với dầu Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến việc Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
[Giá dầu thế giới có tuần đầu tiên đi xuống sau khi tăng cao]
Tác động của sự thiếu hụt dầu từ Nga đã được giảm bớt phần này sau khi Mỹ kêu gọi các nước giải phóng các kho dự trữ dầu chiến lược và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng cường sản xuất.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ (Australia) cho hay nếu Mỹ vẫn duy trì tốc độ như hiện nay, lượng dầu tại các kho dự trữ của nước này sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm là 358 triệu thùng vào tháng 10/2022.
Sản lượng dầu của Libya vẫn chưa ổn định sau các cuộc phong tỏa của các nhóm ở miền Đông đất nước.
Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohamed Oun ngày 20/6 cho biết tổng sản lượng của nước này vào khoảng 700.000 thùng/ngày.
Một phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ tuần trước cho biết sản lượng của Libya đã giảm xuống còn 100.000 thùng/ngày đến 150.000 thùng/ngày.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu từ Trung Quốc, nước từng là nhà xuất khẩu dầu lớn, đã tiếp tục giảm, khiến nguồn cung trên thị trường thắt chặt.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc đưa ra ngày 18/6 cho thấy xuất khẩu xăng của nước này trong tháng 5/2022 đã giảm 46% so với một năm trước đó và xuất khẩu dầu diesel giảm 93% mặc dù nhu cầu trong nước bị đình trệ do các công ty thiếu hạn ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu dầu thô của nước này từ Nga trong tháng 5/2022 đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu tìm được nguồn cung giá rẻ mới khi Moskva đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Ngoài ra, sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ đang tăng lên. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (Mỹ) cho biết số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng 7 giàn lên 740 giàn trong tuần tính đến ngày 17/6, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Nhà phân tích thị trường Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC (Mỹ) cho hay một yếu tố khác cũng đang tác động đến thị trường dầu là nỗi lo suy thoái sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, theo sau là động thái tương tự từ Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ./.