Giá dầu thế giới tăng khoảng 2% do Fed có thể nới lỏng lãi suất
Các nhà đầu tư lạc quan rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, khiến dầu được định giá bằng đồng USD rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 2% trong phiên 11/4 do hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách thắt chặt lãi suất sau báo cáo lạm phát quan trọng trong tuần này, dù cho những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc vẫn còn.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,43 USD/thùng (1,7%) lên 85,61 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,79 USD/thùng (2,2%) lên 81,53 USD/thùng.
Các nhà đầu tư lạc quan rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, khiến dầu được định giá bằng đồng USD rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết triển vọng Fed chỉ tăng lãi suất cơ bản một lần nữa và với mức tăng 0,25 điểm phần trăm là một điểm khởi đầu tốt nhưng lộ trình chính sách của ngân hàng trung ương sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới.
Báo cáo lạm phát của Mỹ sẽ được công bố ngày 12/4, dự kiến sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá lộ trình lãi suất trong ngắn hạn.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại OANDA, cho hay triển vọng nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn sẽ rõ ràng hơn. Trong tuần này, thị trường có thể biết được liệu nền kinh tế Mỹ có đang bước vào giai đoạn suy thoái hay không.
[Giá dầu thế giới tăng do nhu cầu mạnh ở một số nước khu vực châu Á]
Tuy nhiên, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng Ba vừa qua đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9/2021, cho thấy nhu cầu suy yếu vẫn còn trong quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều.
Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets, nhận định chỉ số CPI tháng Ba vừa qua của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, điều này có thể thúc đẩy chính phủ nước này kích thích nền kinh tế hơn nữa.
Giá dầu kỳ hạn đã tăng khoảng 7% kể từ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, hay còn gọi là OPEC+, gây bất ngờ cho thị trường vào tuần trước khi cắt giảm thêm các mục tiêu sản xuất từ tháng Năm tới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự báo sản lượng của OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm nay, sau đó tăng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, sau khi thỏa thuận sản lượng của nhóm hết hạn.
EIA cho biết tổng sản lượng nhiên liệu lỏng ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm nay và 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Về nguồn cung của Mỹ, dữ liệu về lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ sẽ được công bố ngày 11/4. Ước tính trung bình từ 5 nhà phân tích được Reuters thăm dò là dự trữ dầu thô giảm khoảng 1,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/4 vừa qua./.