Giá dầu đi xuống trước khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất
Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 19 xu, tương đương 0,2%, xuống 84,23 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 24 xu, tương đương 0,3%, xuống 79,86 USD/thùng.
Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 29/8, do lo ngại rằng khả năng Mỹ tiếp tục tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu năng lượng đã lấn át những đồn đoán về nguy cơ cơn bão nhiệt đới ngoài khơi vùng Vịnh Mexico của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 19 xu, tương đương 0,2%, xuống 84,23 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 24 xu, tương đương 0,3%, xuống 79,86 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần này, qua đó giúp xác định xu hướng lãi suất trong năm nay và năm tới của Cục Dự trữ liên bang (Fed).
Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối tuần trước cho biết, ngân hàng này có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa để "hạ nhiệt" tình trạng lạm phát cao dai dẳng.
[Giá dầu giảm trước đồn đoán Iraq có thể nối lại xuất khẩu dầu]
Công cụ đánh giá FedWatch của Refinitiv cho hay các thị trường dự đoán có 80% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp tháng tới, nhưng xác suất tăng lãi suất vào tháng 11 hiện ở mức khoảng 56%.
Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets cho biết: “Khó để giá dầu duy trì xu hướng tăng mạnh của tháng Bảy trong giai đoạn này. Nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ phải đối mặt với áp lực giảm trong quý 4 cho đến khi lãi suất đạt đỉnh. Vì vậy, có thể xuất hiện lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, gây áp lực giảm cho giá dầu. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể."
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chững lại do sự sụt giảm lĩnh vực bất động sản ngày càng tồi tệ, chi tiêu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng sụt giảm, khiến Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) phải cắt giảm lãi suất chủ chốt để thúc đẩy hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết, mặc dù giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt khoảng 12-13% kể từ đầu quý 3/2023, sau khi các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng, song triển vọng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục là một mối lo ngại.
Trong khi đó, cơn bão nhiệt đới Idalia đã tấn công miền Tây Cuba hôm 28/8 và có khả năng trở thành một cơn bão mạnh khi hướng tới Florida. Cơn bão có khả năng gây mất điện và có thể ảnh hưởng đến sản xuất dầu thô ở phía Đông vùng nước Mỹ.
Tuần này, trọng tâm của thị trường sẽ tập trung vào báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 31/8 và dữ liệu về việc làm tháng Tám, dự kiến được công bố vào ngày 1/9./.