Giá dầu châu Á đi lên do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng lên mức 95,21 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc lên 101,67 USD/thùng do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung.

Xe chở xăng dầu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á tăng trong phiên giao dịch 25/8, do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn, các nhà sản xuất dầu lớn có khả năng cắt giảm sản lượng và nhà máy lọc dầu của Mỹ đóng cửa một phần.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 32 xu Mỹ (0,3%), lên 95,21 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 45 xu Mỹ (0,4%), lên 101,67 USD/thùng.

Giá hai loại dầu tiêu chuẩn đều chạm mức cao nhất trong ba tuần vào ngày 24/8, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nêu rõ khả năng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi Group cho biết: “Giá dầu Brent đã tăng trở lại trên mốc 100 USD/thùng sau khi các quan chức Saudi Arabia thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ giá dầu thông qua việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nếu cần thiết”.

Các cuộc thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân của Iran vẫn bị đình trệ, đặt ra hoài nghi về việc nối lại xuất khẩu của nước này.

[Giá dầu tăng gần 4% trước khả năng OPEC+ thắt chặt nguồn cung]

Các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang tiếp tục. Iran cho biết họ đã nhận được phản hồi từ Mỹ về văn bản cuối cùng của EU để khôi phục thỏa thuận.

Các nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ngân hàng ANZ cho biết, nếu thỏa thuận hạt nhân đạt được, nó có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và khiến giảm giá dầu trong ngắn hạn vì thỏa thuận này làm tăng triển vọng sẽ có thêm 1 triệu thùng dầu của Iran được tung ra thị trường mỗi ngày. Tuy nhiên, thị trường sẽ vẫn trong tình trạng thắt chặt vì thỏa thuận này sẽ không bù đắp được sự sụt giảm nguồn cung của Nga và nhu cầu tiêu thụ phục hồi.

Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, BP cho biết đã đóng cửa một số cơ sở hoạt động tại nhà máy lọc dầu Whiting của họ ở bang Indiana sau một vụ cháy hôm 24/8. Nhà máy có công suất lọc dầu 430.000 thùng/ngày là nhà cung cấp nhiên liệu chính cho miền Trung nước Mỹ và thành phố Chicago.

Kho dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu chưng cất của Mỹ giảm cũng tạo thêm áp lực tăng giá dầu. Lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 19/8, ở mức 421,7 triệu thùng, so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters với mức giảm là 933.000 thùng./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)