Giá dầu biến động liên tục khi nhà đầu tư phân vân trước tín hiệu trái chiều
Khép phiên ngày 18/7, giá dầu Brent biển Bắc tăng 3 xu Mỹ lên 85,11 USD/thùng; trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 3 xu xuống 82,82 USD/thùng.
Giá dầu thế giới biến động liên tục trong phiên ngày 18/7 trong bối cảnh các nhà đầu tư phân vân trước những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu, trong đó những lo ngại về kinh tế sụt giảm tại Mỹ đang mâu thuẫn với kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 3 xu Mỹ lên 85,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 3 xu xuống 82,82 USD/thùng. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng giá trong phiên giao dịch trước đó.
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tuần trước, tăng khoảng 20.000 đơn lên mức được điều chỉnh theo mùa là 243.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 1/7. Dữ liệu này củng cố lập luận cho việc Fed đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lãi suất, điều có thể thúc đẩy chi tiêu cho dầu mỏ hơn.
Trả lời hãng tin Reuters, nhà môi giới dầu mỏ Tamas Varga của công ty dầu khí PVM, bày tỏ hy vọng việc Fed cắt giảm lãi suất trong tương lai gần sẽ hạn chế đà giảm của thị trường dầu.
Các quan chức Fed ngày 17/7 cho biết Fed đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất do xu hướng lạm phát được cải thiện và thị trường lao động cân bằng hơn, có thể tạo tiền đề cho việc giảm chi phí vay vào tháng 9.
Theo một báo cáo được Fed công bố cùng ngày, hoạt động kinh tế của Mỹ đã tăng với tốc độ từ nhẹ đến khiêm tốn trong thời gian từ cuối tháng 5/2024 đến đầu tháng 7/2024, trong đó các công ty dự báo tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chuyên gia John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital LLC ở New York, cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng cũng báo hiệu sự suy giảm kinh tế, có thể làm giảm nhu cầu dầu thô, và kìm hãm giá dầu tăng cao hơn.
Ông Kilduff cho biết thêm mặc dù dữ liệu của chính phủ đưa ra ngày 17/7 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,9 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters, song nhu cầu xăng dầu yếu của Mỹ đã kìm hãm giá dầu tăng cao hơn.
Tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng ảnh hưởng đến giá cả. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 18/7 đã báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách kinh tế, mặc dù không tiết lộ nhiều chi tiết cụ thể.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất như dự kiến và không đưa ra gợi ý nào về động thái tiếp theo, cho rằng áp lực giá trong nước vẫn ở mức cao và lạm phát sẽ vượt mục tiêu của họ cho đến tận năm sau.
Trong khi đó, một cuộc họp cấp bộ trưởng quy mô nhỏ của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến vào đầu tháng 8, khó có khả năng làm thay đổi chính sách sản xuất dầu của nhóm, bao gồm kế hoạch bắt đầu giảm dần một phần sản lượng dầu thô cắt giảm tự nguyện từ tháng 10./.