Gắp chiếc ghim sắt hồ sơ đâm thủng thành ruột non của nữ bệnh nhân
Nếu không mổ kịp thời gắp dị vật ra, bệnh nhân có thể bị thủng ruột non gây xuất huyết nội, rất nguy hiểm. Giai đoạn muộn, hình thành khối áp xe thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng.
Ngày 11/3, Bệnh viện Hữu nghị thông tin các bác sĩ của bệnh viện đã lấy ra một chiếc ghim sắt hồ sơ dài gần 2 cm trong bụng nữ bệnh nhân 24 tuổi ở Hà Nội.
Bác sĩ Hoàng Việt Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết bệnh nhân vào viện với biểu hiện đau bụng âm ỉ hạ vị, đau tăng, không sốt, bí trung tiện. Khám hạ vị ấn đau, phản ứng. Bệnh nhân được tiếp nhận khám và thực hiện chụp CT, phát hiện có dị vật đâm thủng thành ruột non vào trong ổ bụng gây tổn thương khối mạc nối bọc đoạn ruột non. Khi gỡ ra, các bác sỹ thấy có giả mạc và ít dịch mủ và 1 dị vật kim loại, giống đinh ghim dài 1,5cm. Bác sỹ đã lấy bỏ dị vật, khâu lỗ thủng nội soi.
Bệnh nhân chia sẻ không hề biết nuốt phải dị vật khi nào.
Theo bác sỹ Hoàng Việt Dũng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Hữu Nghị), dị vật người lớn thường bị hóc là tăm, xương gà, dao lam, viên thuốc chưa bóc vỏ, thậm chí là bàn chải đánh răng, nắp chai bia… Như trường hợp của bệnh nhân trên, nếu không mổ kịp thời gắp dị vật ra có thể thủng ruột non gây xuất huyết nội, rất nguy hiểm. Giai đoạn muộn, hình thành khối áp xe thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng.
Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo mọi người đi khám ngay khi có các triệu chứng như nuốt khó, nuốt vướng, nôn khi cố ăn - đây có thể là những triệu chứng của người có dị vật ở vùng thực quản. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức; Giai đoạn muộn thì người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm nhớt và thức ăn.
Với trường hợp buồn nôn sau ăn: Có thể do dị vật ở dạ dày gây tắc môn vị và hành tá tràng. Người có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ./.