Gần 9.000 tỷ đồng làm 60km đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú
Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Liên Khương nếu được đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP với tổng chiều dài hơn 60km.
Theo đó, dự án có điểm đầu Km0+000, tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20), kết nối với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô đường cao tốc quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.981 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.454 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 5.562 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 200 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 32 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư hơn 157 tỷ đồng, chi phí khác gần 590 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 983 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.681 tỷ đồng, dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 30%, năm 2026 khoảng 40%, năm 2027 khoảng 30%. Vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 1.300 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 62%, năm 2026 khoảng 38%.
Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán thời gian thu phí hoàn vốn của dự án được tính toán là 18 năm 2 tháng 11 ngày.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng./.