Gần 3 triệu người Sudan cần viện trợ nhân đạo trong bối cảnh xung đột kéo dài

Vào tháng 10 năm nay, khoảng 28,9 triệu người cần viện trợ nhân đạo, tăng 13,1 triệu người sau khi xung đột nổ ra vào năm ngoái giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự.

Người tị nạn Sudan tại Koufroun, gần Echbara, CH Chad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/11, Chính phủ Sudan cho biết 28,9 triệu người dân nước này cần viện trợ nhân đạo do cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

Phát biểu trong khuôn khổ một hội nghị về hỗ trợ nhân đạo được tổ chức ở Port Sudan, thủ phủ của quốc gia giáp Biển Đỏ, Ủy viên Viện trợ nhân đạo của Sudan, ông Salwa Adam Benya cho biết vào tháng 10 năm nay, khoảng 28,9 triệu người cần viện trợ nhân đạo, tăng 13,1 triệu người sau khi xung đột nổ ra vào tháng 4 năm ngoái giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự. Trong số đó, khoảng 16,9 triệu người cần viện trợ nhân đạo để cứu mạng và cần khoảng 840.000 tấn viện trợ trong 2 tháng tới.

Ông Ibrahim Jabir, thành viên Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết của mình nhằm cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân Sudan. Ông đồng thời nhắc lại cam kết của Chính phủ Sudan trong việc tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột, nhấn mạnh đã mở 7 cửa khẩu.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Sudan đã quyết định gia hạn việc mở cửa khẩu biên giới Adre với Cộng hòa Chad thêm 3 tháng nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết LHQ hoan nghênh quyết định của chính quyền Sudan về việc gia hạn mở cửa khẩu Adre nói trên. Ông Dujarric nói thêm rằng Tổng thư ký Guterres đã thảo luận với người đứng đầu lực lượng SAF về vấn đề này bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan.

Hồi tháng 2 năm nay, Chính phủ Sudan đã đóng cửa khẩu biên giới trên bộ Adre, với cáo buộc RSF sử dụng cửa khẩu này để vận chuyển vũ khí.

Tình hình Sudan trở nên bất ổn khi nổ ra cuộc xung đột khốc liệt giữa SAF và RSF kể từ giữa tháng 4/2023. Theo ước tính của báo The Conversation, cho đến nay, ít nhất 62.000 người đã thiệt mạng do xung đột. Tuy nhiên, trên thực tế, thiệt hại về người có thể còn lớn hơn như vậy do chưa được thống kê đầy đủ./.