Gần 10.000 tỷ đồng của lô chào bán tín phiếu đầu tiên đáo hạn
Từ 21/9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước phát hành 20 đợt tín phiếu với giá trị 225.700 tỷ đồng. Hôm nay (19/10), lô tín phiếu 9.995 tỷ đồng đã đáo hạn.
Hôm nay (19/10), lô tín phiếu 9.995 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, lãi suất ở mức 0,69%/năm do Ngân hàng Nhà nước phát hành ngày 21/9 đã đáo hạn.
Từ 21/9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 20 đợt tín phiếu liên tiếp có kỳ hạn 28 ngày. Tổng quy mô gần 255.700 tỷ đồng.
Điều này cũng có nghĩa từ phiên hôm nay trở đi, số tín phiếu đã được phát hành trong 20 phiên vừa qua sẽ lần lượt được đáo hạn, số tiền tương ứng cũng sẽ được bơm lại thị trường.
[NHNN phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày]
Đáng chú ý, sát ngày những lô tín phiếu đầu tiên đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tăng cường độ hút tiền. Nếu như 9 phiên giao dịch đầu tháng Mười đều ghi nhận quy mô hút tiền không quá 10.000 tỷ đồng/phiên thì từ ngày 12-16/10, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lên 20.000 tỷ đồng/phiên. Tiếp đến ngày 17/10, giá trị tín phiếu trúng thầu đạt 17.950 tỷ đồng, phiên 18/10 đạt 12.050 tỷ đồng.
Phản ứng sau chuỗi hút ròng mạnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng trở lại sau khi lao dốc mạnh vào tuần trước.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 16/10 đã tăng lên 0,71% từ mức 0,35% ghi nhận vào cuối tuần trước (ngày 13/10). Trước khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng ở mức rất thấp chỉ dưới 0,2%. Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng tăng như kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,55% lên 0,83%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 0,75% lên 0,97%.
Theo các chuyên gia tài chính, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước diễn ra thời gian qua nhằm hướng đến mục tiêu điều tiết tỷ giá do chênh lệch lãi suất VND-USD. Thông qua việc hút VND về, lãi suất liên ngân hàng bằng VND tăng lên sẽ giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Tín phiếu hạch toán và thanh toán bằng đồng Việt Nam. Mệnh giá 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng) hoặc bội số của 100.000 đồng.
Thời hạn phát hành không vượt quá 364 ngày. Lãi suất tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Ngày tín phiếu đến hạn thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh toán số tiền bằng mệnh giá tín phiếu cho các tổ chức tín dụng đã mua tín phiếu.
Giới phân tích nhìn nhận động thái hút tiền qua kênh tín phiếu ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước được xem là bình thường để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên đã bắt đầu đáo hạn, dự báo được đưa ra rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu trong thời gian tới và không loại trừ khả năng sẽ có sự gia tăng về quy mô cũng như kỳ hạn.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, với việc lãi suất liên ngân hàng qua đêm quay trở lại mức rất thấp, tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì cao kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ gây áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới để thay thế những tín phiếu đã đáo hạn.
Theo đó, KBSV đã đưa ra ba kịch bản ứng với từng vùng tỷ giá khác nhau: Thứ nhất, nếu tỷ giá USD duy trì ở khoảng 24.000-24.400 đồng/USD, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phát hành khối lượng tín phiếu trung bình khoảng 12.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Thứ hai, nếu tỷ giá vượt ngưỡng 24.500 đồng/USD, Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành với khối lượng trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên đến khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét hơn.
Thứ ba, nếu tỷ giá USD tiến gần mốc 25.000 đồng, KBSV không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện động thái bán USD kỳ hạn để ổn định tỷ giá.
Tỷ giá trung tâm đồng/USD ngày 19/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.100 đồng/USD, tăng 7 đồng so với phiên trước./.