G7 sử dụng công cụ thương mại cần thiết để ngăn chặn hành vi phi thị trường
Ngày 17/7, các Bộ trưởng Thương mại từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cho biết sẽ sử dụng "các công cụ thương mại" để ngăn chặn các hành vi bóp méo thị trường nếu cần thiết.
Ngày 17/7, các Bộ trưởng Thương mại từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cho biết sẽ sử dụng "các công cụ thương mại" để ngăn chặn các hành vi bóp méo thị trường nếu cần thiết.
Các bộ trưởng G7 đã nhóm họp ở Calabria, miền Nam Italy trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) áp đặt thuế quan đối với xe ôtô điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ôtô của khối 27 thành viên trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất Trung Quốc mà EU cho là được nhà nước trợ cấp rất nhiều.
Tuyên bố dài 6 trang sau cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại G7 có đoạn nêu rõ các nước này sẽ tiếp tục ngăn chặn các chính sách và thông lệ phi thị trường, cũng như tình trạng dư thừa công suất có thể gây tổn hại và bóp méo các thị trường.
Để làm được điều này, G7 cam kết sử dụng hiệu quả các công cụ thương mại và phát triển các công cụ mới khi phù hợp để xác định, đương đầu và ngăn chặn những hành vi này, cũng như cùng với các đối tác, thúc đẩy các quy tắc và chuẩn mực quốc tế mạnh mẽ hơn.
Nội dung tuyên bố đưa ra ngày 17/7 có những ngôn từ thể hiện thái độ cứng rắn hơn so với tuyên bố sau cuộc họp cấp Bộ trưởng Thương mại G7 tại Nhật Bản, với nội dung tập trung vào việc ngăn cản chủ nghĩa bảo hộ và bóp méo thị trường hơn là triển khai các công cụ thương mại.
Ngoài thuế quan, các công cụ để hạn chế các hành vi không công bằng có thể là các quy định chặt chẽ hơn để giám sát đầu tư nước ngoài như những quy định mà EU đề xuất vào đầu năm nay.
Các Bộ trưởng Thương mại G7 cũng nhấn mạnh quá trình phục hồi kinh tế đòi hỏi phải giảm thiểu rủi ro, thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc.
Các bộ trưởng cho rằng các chính sách và thông lệ phi thị trường không chỉ làm suy yếu trật tự kinh tế quốc tế dựa trên các quy tắc tự do và công bằng mà còn có thể làm gia tăng sự phụ thuộc và điểm yếu chiến lược, đồng thời cản trở sự phát triển bền vững của các nước mới nổi và đang phát triển.
G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, đồng thời EU cũng được mời tham gia./.